Đồng Khởi 1960 - khởi nguồn của lực lượng vũ trang Bến Tre anh hùng

01/01/2010 - 07:26
Ảnh tư liệu

* TỪ CAO TRÀO ĐỒNG KHỞI CHUYỂN THÀNH CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG. LLVT BẾN TRE TRƯỞNG THÀNH, GÓP SỨC XÂY DỰNG LLVT CẤP TRÊN, ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT (1960-1964)

LLVT thực sự đóng vai trò đòn xeo trong cao trào Đồng Khởi. Từ nổi dậy, Đồng Khởi chuyển thành chiến tranh cách mạng, LLVT tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Vừa chiến đấu, phát triển, trưởng thành, vừa góp sức xây dựng lực lượng cho cấp trên.

Ngày 30-12-1960, Đại đội 261 phối hợp với 2 cơ sở binh vận ở đồn tề chợ Sơn Đốc (Hưng Nhượng), 2 cơ sở Binh vận bị lộ nên không thực hiện diệt đồn tề chợ Sơn Đốc. Hai cơ sở của ta mang 2 súng về với cách mạng. Đồn tề bắn tín hiệu kêu cứu Quận trưởng Giồng Trôm.

Đại đội 261 bố trí 2 trung đội phục kích ở ngã ba nhà thờ cách chợ Sơn Đốc khoảng 1,5 km, 1 trung đội khác phục kích từ hướng nhà thờ La Mã kéo vào chợ Sơn Đốc, lực lượng ta phục kích ở trong 6 nhà dân cách lộ không đầy 10m. Bộ đội ta động viên, giáo dục dân cùng ở nhà dân sinh hoạt bình thường. Tốp lính đi đầu mở đường không thấy gì khả nghi, 6 xe có 1 xe Jeep chở Đại đội Bảo An Giồng Trôm chạy vào trận địa phục kích, sau 30 phút chiến đấu ta tiêu diệt Đại đội Bảo An, có 3 tên đại úy đền tội (Quận trưởng Giồng Trôm, Quận trưởng Thạnh Phú và Đại đội trưởng Bảo An). Khi mặt trận chính nổ súng, thì ở đồn La Mã 1 trung đội Bảo An đến cứu viện, bị 2 trung đội ta diệt gọn. Cả 2 mặt trận ta thu hơn 60 súng, có 5 trung liên, 3 súng ngắn, bắt 45 tù binh.

Đầu năm 1961, Quân khu rút đồng chí Lê Minh Đào, một số cán bộ cốt cán về quân sự, một số Huyện ủy viên và 1 đại đội (150 quân) được trang bị đầy đủ về Khu 8, góp sức xây dựng Tiểu đoàn 261 chủ lực của Quân khu.

Tỉnh điều động bộ đội huyện xây dựng mới thay thế Đại đội 1 đã về Khu, đồng thời xây dựng thêm Đại đội 2 của tỉnh, bổ sung đủ quân cho Đại đội 264. Như vậy, tỉnh có 3 đại đội đứng chân trên 3 dải cù lao, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị.

Năm 1961, Tỉnh đội đã xây dựng trường để huấn luyện ở xã Thạnh Phong- Thạnh Phú gồm Trường huấn luyện xã đội, tiểu đội trưởng du kích, Trường huấn luyện tân binh, Trường huấn luyện tiểu đội trưởng bộ binh - Trường  đào tạo y tá…

Xã Thạnh Phong là địa bàn luyện quân, xây dựng lực lượng vũ trang của Quân khu và nơi tập huấn cán bộ huyện đội, cán bộ đại đội, bộ binh…

Cách bổ sung cho bộ đội tập trung tỉnh, huyện theo phương châm là đôn quân, huyện bổ sung tỉnh, du kích bổ sung cho huyện. Trường huấn luyện Tân binh đào tạo để xây dựng cho các tiểu đoàn mới của quân khu (263 A, B, 265A, B) và bổ sung cho Tiểu đoàn 261 của Quân khu 150 quân sau khi hoạt động ở Gò Công sang Bến Tre nhận quân năm 1961.

Từ năm 1960-1966 Bến Tre đưa về Khu, Miền trên 60.000 anh chị em thanh niên bổ sung xây dựng bộ đội và thanh niên xung phong của Khu và Miền. Quân khu còn điều động gần 100 cán bộ, có cả Bí thư Tỉnh ủy, UVTV Tỉnh ủy, Huyện ủy viên và cán bộ cốt cán của lực lượng vũ trang Bến Tre.

Từ 1963-1964, Quân khu xây dựng ở địa bàn Thạnh Phong (Thạnh Phú) 4 tiểu đoàn gồm: Tiểu đoàn 263 A, Tiểu đoàn 263 B, Tiểu đoàn 265 A, Tiểu đoàn 265 B và Tiểu đoàn 518 bảo vệ căn cứ Thạnh Phong, nơi cất giữ hàng hóa (vũ khí, đạn…) từ miền Bắc đưa vào.

Vào cuối năm 1964, Quân khu xây dựng Trung đoàn Đồng Tháp I chủ lực đầu tiên ra đời tại Bến Tre gồm Tiểu đoàn 261, 263 B và 265. Ban Chỉ huy Trung đoàn gồm Trung đoàn trưởng Châu Kim Sơn, Chính ủy Nguyễn Văn Tây, Trung đoàn phó Võ Văn Hoàng và Vũ Mạnh. Các đơn vị Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn đều có tham gia chiến đấu ở chiến trường Bến Tre. Tiểu đoàn 263 phối hợp với lực lượng vũ trang Bến Tre đánh tiêu diệt Tiểu đoàn Ó Đỏ, Ó Vàng của Trung đoàn 12 (Sư đoàn 7) ở Phú Lễ (Ba Tri) và An Thạnh (Mỏ Cày).

Ngày 31-12-1963 Tiểu đoàn 263 và Tiểu đoàn 518 đánh càn chống lại cuộc càn qui mô lớn mang tên Phượng Hoàng TG1. Địch huy động 16 Tiểu đoàn chủ lực do Trung tướng Trần Văn Đôn chỉ huy cuộc càn, bao vây xã Thạnh Phong nhằm triệt phá kho vũ khí từ miền Bắc đưa vào. Lực lượng ta đánh càn quyết liệt, bảo vệ căn cứ an toàn, bắn rơi 4 trực thăng tại chỗ, 4 Tiểu đoàn bị đánh đau, hơn 100 tên chết và bị thương, ta thu 4 nòng đại liên, 2 súng liên thanh M14.

Đầu năm 1964, Tỉnh đội tổ chức một Đại đội nữ vũ trang khoảng 50 chị, có phiên hiệu C710, do đồng chí  Thu Hà chỉ huy. C710 hoạt động bám sâu vào sào huyệt của địch ở thị xã, thị trấn, vẽ bản đồ những vị trí địch đóng quân. Đặc biệt, chị em C710 nắm chắc qui luật và vị trí đóng quân của chủ lực Trung đoàn 10 ở xã Phước Tuy, giúp bộ đội huyện Ba Tri dùng ĐH10 đánh diệt hơn 60 tên địch đang trú đêm. Mặt khác, chính bản thân các nữ chiến sĩ nầy dùng phương thức hóa trang đánh bằng lựu đạn, súng lục diệt nhiều tên các ôn… Đại đội 710 đại diện cho đội quân tóc dài cầm súng, làm tốt công tác vận động thanh niên nam, nữ tòng quân.

Ngày 15-4-1964, Quân khu quyết định cho Bến Tre thành lập Tiểu đoàn 516 gồm : Đại đội 1, Đại đội 2 và rút 1 Đại đội ở Mỏ Cày thành lập Đại đội 3.

Tỉnh ủy chỉ đạo Tiểu đoàn được tăng cường Đại đội địa phương quân Châu Thành ra quân trận đầu đánh diệt 1 đồn cấp tiểu đội bằng cường tập, kết hợp đánh viện, diệt cho được Đại đội Bảo an quận Hàm Long nhằm mục đích mở rộng địa bàn, bảo đảm đường giao liên từ Bến Tre sang Mỹ Tho, trung chuyển vũ khí cho Khu và Miền.

Đêm 18 rạng 19 tháng 8 năm 1964, Đại đội 3 (tiền thân của Mỏ Cày rất giỏi đánh đồn, suốt thời gian từ 1960-1964 đã đánh diệt gọn trên 20 đồn, không thua trận nào) tấn công diệt đồn Phú Túc. Ta đánh đồn Phú Túc có sử dụng DKZ 75, địch đánh giá không phải lực lượng địa phương quân Châu Thành mà lực lượng mạnh hơn.

Sáng 19 tháng 8 địch sử dụng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7) đổ quân bằng trực thăng và Tiểu đoàn Biệt động quân đổ bộ bằng tàu. Hai Tiểu đoàn đã hợp điểm đồn Phú Túc đúng 16 giờ. Chúng hành quân về xã Thành Triệu theo Lộ Thơ ra đường 17. Hai Tiểu đoàn địch không cảnh giác nên hành quân song song khoảng cách 500m. Ta xử trí lấy khóa đầu làm khóa đuôi. Địch phát hiện công sự, nhưng chúng đánh giá ta rút chạy. Hai tiểu đoàn địch lọt trọn vào đội hình phục kích đánh viện. Ta nổ súng dồn địch dọc theo kênh Thành Triệu. Không đầy 60 phút chiến đấu, ta diệt gọn 2 tiểu đoàn địch, thu trên 350 súng, có 27 súng trung liên, 2 đại liên 60, thu 30 máy thông tin PRC 10, 2 máy GRC 9, 4 cố vấn Mỹ và 2 thiếu tá Tiểu đoàn trưởng chết tại trận, bắt sống 52 tù binh, có 2 thiếu úy.

Bị thua đau, 6 giờ ngày 20 tháng 8 địch sử dụng Trung đoàn 12 (Sư đoàn 7), 20 xe M113, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 hải đoàn và 2 đại đội Bảo an của Tiểu khu Kiến Hòa, hình thành bao vây bắc Châu Thành. Đúng 8 giờ chúng đổ quân bằng trực thăng theo 3 hướng, đánh vào xã An Khánh và Phú Túc. Chạm súng với Tiểu đoàn 516, chúng hình thành vòng vây siết chặt. Tiểu đoàn 516 liên tiếp đánh nhiều lượt, bẻ gãy các mũi đột phá của địch vào đội hình. Trong 3 ngày chiến đấu, ta bị thương vong trên 30 đồng chí. Đến ngày 23 tháng 8, Tiểu đoàn 516 mở 2 đường thoát khỏi vòng vây. Tất cả tù binh, chiến lợi phẩm và thương binh, tử sĩ được điều về căn cứ an toàn.

Tỉnh ủy, Tỉnh đội đánh giá rất cao, Tiểu đoàn ra quân trận đầu diệt đồn bằng chiến thuật cường tập, diệt gọn 2 tiểu đoàn chủ lực địch cùng một lúc, tháo vòng vây địch, Tiểu đoàn về đến nơi an toàn là ngoài dự kiến của lãnh đạo tỉnh.

Từ tháng 4 năm 1964 đến cuối tháng 7 năm 1964, Tiểu đoàn 516 và Đại đội 2 độc lập của tỉnh đã diệt 2 tiểu đoàn và 5 đại đội Bảo an.

Lực lượng vũ trang của huyện là chỗ dựa của du kích xã, ấp. Du kích có đủ khả năng bao vây bức hàng, bức rút nhiều đồn bót của địch. Lực lượng xã là nòng cốt cho chiến tranh nhân dân, xây dựng xã chiến đấu, làm hầm chông, nuôi ong vò vẽ đánh giặc… Phong trào chiến tranh nhân dân mạnh nhất là Giồng Trôm, Mỏ Cày, trên 6 tháng địch không dám hành quân càn quét vào vùng giải phóng.

Công trường tỉnh sản xuất được vũ khí tự tạo như Badôca, súng phóng lựu, mìn đánh xe. Sản xuất vỏ lựu đạn, ngòi nổ rồi giao cho công trường huyện, xã lắp ráp. Huyện có công trường sản xuất vũ khí tự tạo như súng ngựa trời, lắp ráp lựu đạn gài, lựu đạn ném, làm chông sắt, nhiều xã làm được vũ khí tự tạo đánh giặc. Xã, ấp nào cũng có phong trào nuôi ong vò vẽ đánh giặc theo sáng tạo của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tư.

Du kích xã An Định (Mỏ Cày) lấy một tổ ong vò vẽ bỏ trong bao, ban đêm để trước cửa đồn và gài lựu đạn dưới bao. Sáng hôm sau lính trong đồn thấy vật lạ, chúng lấy bao làm lựu đạn nổ tung, ong vò vẽ bể tổ bay ra tấn công bọn lính trong đồn, tên nào cũng bị ong đánh. Chúng kêu Quận trưởng Hương Mỹ đến cứu viện, Quận trưởng cùng một đại đội Bảo an đến đồn An Định. Trên đường chúng hành quân vào đồn thì anh em dùng một tổ ong khác phục kích cách đồn 500 m. Khi đội hình địch lọt vào trận địa thì du kích dùng mìn đánh bể cái bao đựng ong vò vẽ. Bầy ong bay ra tấn công, đại đội Bảo an thằng nào cũng bị ong tấn công. Quận trưởng và Đại đội Bảo an rút chạy ra lộ gọi máy bay đến ném 3 lượt bom để giải tỏa cho đồn An Định.

Du kích Phước Hiệp (Mỏ Cày) cắm cờ trên ngọn dừa rồi gài trái đạn 105 lép làm mìn. Trực thăng nhổ cờ, mìn nổ tan xác. Du kích xã Châu Bình dùng vũ khí tự tạo, lựu đạn gài và hầm chông đã làm chết và bị thương trên 100 tên của Tiểu đoàn chủ lực địch, bẻ gãy cuộc càn của địch vào ấp Bình Lợi, xã Châu Bình.

Cách đánh du kích xã, ấp rất sáng tạo, thông minh mà không có trường nào huấn luyện. Đồn bót cấp Đại đội cắm sâu trong vùng giải phóng, anh em du kích cùng nhân dân làm pháo đài cao hơn lồng cu của đồn (pháo đài làm bằng lá chằm, chứa đất nhiều cái rồi đem lại gần đồn khoảng 100 m xây dựng chân pháo đài khoảng 2 m, ngọn pháo đài non 1 m, cao khoảng 4 - 5 m tùy theo lồng cu đồn cao thấp mà ráp pháo đài). Du kích ở trên ngọn pháo đài bắn tỉa vào đồn rất chính xác, vài tên địch chết bị rữa thối buộc chúng phải bỏ đồn. Không có sức mạnh của chiến tranh nhân dân, công sức của dân thì du kích không tài nào dựng nổi pháo đài.

Bộ đội địa phương quân huyện nào cũng đánh diệt được trung đội, đại đội địch, đánh được ba hình thức chiến thuật. Địa phương quân Mỏ Cày tổng kết đến năm 1968 đã đánh diệt 30 đồn cấp trung đội, tiểu đội, hòa 1 đồn, thua 1 đồn. Chẳng hiểu Mỏ Cày đánh bằng hình thức gì khi không có B40, B41, không có súng cối, ĐKZ, chỉ bằng lựu đạn là chủ yếu. Anh em bò vào tường ném lựu đạn, rồi bộ binh xung phong vào chiếm đồn. Đồn Bưng Cát có 2 trung đội, 2 trung liên, bị đánh trước đó 2 ngày, nhưng bộ đội không phục kích chận viện được. Huyện ủy ra lệnh đánh đồn Bưng Cát lần thứ hai để bộ đội vào phục kích chận viện. Đánh lần này địch đông hơn, trang bị mạnh hơn, cảnh giác cao hơn, nhưng bộ đội Mỏ Cày trong 30 phút chiến đấu đã chiếm được đồn, bắt sống tù binh.

(Còn tiếp)

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN