
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát tiến độ Khu công nghiệp Phú Thuận. Ảnh: C. Trúc
Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10 - 15%/năm
Tại hội nghị Tỉnh ủy đột xuất lấy ý kiến QH cuối kỳ của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng, xác định QH tỉnh là nội dung đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, gắn với vùng và cả nước, là định hướng để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện khát vọng phát triển tỉnh nhanh và bền vững. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) 10 - 10,5%/năm cho giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, trong thực tiễn lãnh đạo, điều hành, phấn đấu nỗ lực đạt cao hơn, thường xuyên cập nhật tình hình chung của khu vực, của vùng và cả nước để có biện pháp ứng xử phù hợp, phải nỗ lực cao hơn để phát triển tỉnh nhanh và bền vững.
Về tổ chức không gian phát triển, định hướng QH phát triển 3 vùng kinh tế gồm Bắc sông Hàm Luông, Nam sông Hàm Luông và vùng ven biển. Trong đó, phát triển các ngành kinh tế với định hướng, phát triển các nhóm ngành chính. Phát triển mạnh kinh tế công nghiệp (CN), trong đó tập trung phát triển CN chế biến, CN công nghệ cao, CN năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn về cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, cây giống, hoa kiểng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái. Phát triển thương mại, dịch vụ, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Du lịch có cơ hội phát triển tốt, với các định hướng chính là gắn với kinh tế nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sông nước. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp, tăng liên kết chuỗi giá trị.
Phát triển đô thị và nông thôn, trong đó định hướng đến năm 2050 phát triển TP. Bến Tre thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trước mắt từ đây đến năm 2030 xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I. QH tỉnh có chiến lược lấn biển với diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng diện tích tỉnh và không gian phát triển tỉnh; đây là một nội dung có tính chiến lược phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Tập trung nỗ lực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2030.
Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng QH tỉnh chất lượng nhất và khả thi nhất, thể hiện được khát vọng, quyết tâm, nỗ lực cao đưa Bến Tre phát triển nhanh và bền vững, tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới mạnh mẽ tác phong, phong cách, lề lối làm việc; cải cách thủ tục hành chính có kết quả, rút ngắn thời gian xử lý công việc; đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng làm việc.
6 lĩnh vực cần tập trung đột phá
Tỉnh xác định có 6 lĩnh vực cần tập trung đột phá, đó là phát triển về hướng Đông, phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế biển. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư phát triển các khu CN, cụm CN để phát triển, phát triển năng lượng sạch. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hóa để phát triển bền vững tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng, tỉnh dự kiến chọn kịch bản 2, tức tăng trưởng từ 10 - 11,5%. Như vậy, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh phải đột phá vào lĩnh vực nào hay cứ làm dàn đều trên 6 lĩnh vực đó. Đây là vấn đề cần xác định cho rõ để kêu gọi đầu tư và thực hiện các công trình, dự án cho tốt. Nếu cứ dàn đều 6 lĩnh vực thì sẽ không đạt được như mong muốn. “Giai đoạn 2025 - 2030 cần đột phá vào CN, hạ tầng giao thông và đô thị. Vì tỉnh đã có dự án đầu tư, hạ tầng giao thông có dự án, đô thị cũng đã có nhiều dự án, chỉ còn vấn đề thời gian và việc tổ chức triển khai. Nếu tỉnh làm được việc đó thì sẽ bật lên đột phá mới phát triển. Cần dịch chuyển các khu CN, cụm CN về hướng Đông, gồm 7 khu CN và 15 cụm CN từ nay đến năm 2030”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam lưu ý.
Về CN, tỉnh xác định CN chế biến là một trong những thế mạnh của tỉnh cần có giải pháp hiệu quả để kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong đó, chế biến nông lâm thủy sản, nòng cốt là chế biến tôm, chế biến sâu về trái dừa. Tỉnh đang có một nhà đầu tư nghiên cứu chế biến thực phẩm chức năng từ mọng dừa. Trong đó, sẽ chế biến ra nhiều sản phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Đây là lĩnh vực cần chế biến sâu. Kế đến là năng lượng sạch, bao gồm cả Hydro xanh, nếu làm được việc này là tỉnh có điều kiện đột phá thật sự.
Lĩnh vực giao thông, tỉnh đã có nhiều dự án triển khai như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao... Về đô thị, có 37 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư.
Nếu như cầu Rạch Miễu 2 và tuyến đường ven biển là động lực cho sự phát triển của toàn tỉnh thì con đường động lực nội tỉnh đó phải là con đường kết nối từ TP. Bến Tre xuống đường ven biển, là tuyến động lực nội tỉnh, cùng với tuyến động lực ngoại tỉnh để phát triển. Tỉnh cần đầu tư một con đường thẳng từ TP. Bến Tre kết nối với đường ven biển. Tuyến đó có thể từ TP. Bến Tre qua Phú Nhuận kết nối với thị trấn Giồng Trôm, sau đó từ Giồng Trôm mới kết nối với đường ven biển, chiều ngang trên dưới 60m.
“Muốn phát huy được hiệu quả đường ven biển với trung tâm và giúp cho Giồng Trôm phát triển thì phải làm cho được con đường này. Sau đó, nếu có điều kiện thì ở 3 dãy cù lao có 3 con đường. Trước mắt làm con đường động lực nội tỉnh rồi kết nối Bắc - Nam tức từ Phú Thuận đi qua Mỏ Cày Nam, sau đó là đường đê từ Thạnh Trị (Bình Đại) kéo dài qua Thạnh Phú kết nối đường ven biển cắt ngang qua các cù lao khác”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông tin thêm.
Các dự án động lực, gồm: đường vào cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường ven biển; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 57, 57B, 57C, 60. Đầu tư mới 11 tuyến đường tỉnh; Khu bến cảng Hàm Luông, bến Thạnh Phú; 10 cảng giao thông thủy; xây dựng cầu Đình Khao; Khu công nghiệp Phú Thuận; các dự án phát triển đô thị; Dự án sản xuất Hydro xanh, Amoniac xanh; xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Dự án Khu lấn biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Thành lập Trường Đại học Tây Nam Bộ thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. |
Hữu Hiệp