Đưa nông sản vào thị trường

10/07/2020 - 07:04

BDK - Mỏ Cày Nam với thế mạnh là kinh tế vườn, cụ thể là cây dừa và chăn nuôi. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tiếp tục đặt trọng tâm phát triển vào lĩnh vực kinh tế dừa và chăn nuôi với định hướng thương mại hóa nông sản, nhằm tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thảm dệt từ chỉ xơ dừa được sử dụng như một sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thảm dệt từ chỉ xơ dừa được sử dụng như một sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Huyện Mỏ Cày Nam có khoảng 17 ngàn héc-ta diện tích đất trồng dừa, chiếm 77,2% diện tích đất của huyện. Những vườn dừa rộng lớn ở huyện đã giúp cho đời sống người dân ngày một khấm khá hơn khi các mặt hàng từ cây dừa mỗi ngày một đa dạng và phong phú nhờ sự nhạy bén và cần cù của người dân. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện với trên 500 cơ sở liên quan ngành dừa. Những mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của huyện từ cây dừa như: chỉ xơ dừa, than thiêu kết, thạch dừa, kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Sản lượng chỉ xơ dừa bình quân mỗi năm khoảng 44 ngàn tấn, cơm dừa 10.500 tấn, kẹo dừa 1.150 tấn.

Huyện có đàn heo lớn nhất tỉnh, chiếm gần 50% tổng đàn heo cả tỉnh. Huyện Mỏ Cày Nam hiện đã sở hữu nhãn hiệu tập thể “Heo Mỏ Cày Nam” (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam vừa cấp văn bằng bảo hộ) cho sản phẩm heo thịt và heo giống.

Liên kết sản xuất dần trở thành hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp ở Bến Tre nói chung, Mỏ Cày Nam nói riêng do đất nông nghiệp bình quân trên đầu người ít, sản xuất manh mún. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, nhất là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm dừa và con heo. Đây là 2 trong số 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh thực hiện liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Đến nay, huyện đã hình thành hơn 1.500ha dừa canh tác theo hướng hữu cơ được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Có trên 200 tổ hợp tác (THT), 10 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập và bước đầu thực hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả. Ngoài ra, nhiều diện tích vườn dừa được hướng dẫn trồng xen, nuôi xen hợp lý nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu cho nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Nâng cao giá trị nông sản

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, việc tổ chức liên kết của THT, HTX, nông dân với doanh nghiệp một số nơi chưa thật sự hiệu quả. Phần lớn các liên kết trong chuỗi vẫn rất lỏng lẻo, chủ yếu thông qua trung gian. Quy mô, diện tích thực hiện liên kết chưa nhiều dẫn đến việc tiêu thụ nông sản thông qua các THT, HTX còn ít.

Huyện chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị còn hạn chế. Công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất tập trung còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam đề xuất: “Để kinh tế nông nghiệp của huyện nhà phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới, cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút doanh nghiêp đầu tư, hình thành các cụm chế biến sản phẩm nông nghiệp khép kín tại vùng nguyên liệu. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, theo hướng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Bài, ảnh: Phú Sĩ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN