Nhà vườn trồng nhãn ở Tam Hiệp đương đầu vượt qua hạn mặn và dịch Covid-19.
Tiêu thụ khó khăn
Vào thời điểm giữa tháng 3-2020, anh Lê Quốc Dũng, cán bộ khuyến nông xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại cho hay: Người dân đang hoang mang vì hai chợ đầu mối lớn là Bình Điền và Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) - nơi thu mua trên 80% sản lượng nhãn xuồng Tam Hiệp, đã thông báo dừng thu mua vì bán ra không được. Tôi cùng một số nhà vườn đã gọi điện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản nhưng cũng không được phản hồi.
Anh Trần Thanh Nam, Ấp 1, xã Tam Hiệp có mấy héc-ta nhãn xuồng đang chín, cũng là một trong những chủ vựa thu gom nhãn ở đất cồn này vận chuyển đến các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, bộc bạch: Vụ trước bán tại vườn giá 60 ngàn đồng/kg, còn năm nay lo chạy chợ nhỏ, chợ lẻ nông thôn trong và ngoài tỉnh. Giá nhãn thu mua tại vườn 35 - 40 ngàn đồng/kg.
Một vài hộ tìm cách bán nhãn online. Một doanh nghiệp sản xuất rượu trên địa bàn có đội ngũ tiếp thị nhiều nơi trong và ngoài tỉnh cũng tham gia bán hàng. Trong 1 tuần đầu, đội bán nhãn online đã tiêu thụ trên 1 tấn nhãn xuồng. Tuy nhiên, sau đó khá nhiều thành viên bỏ cuộc vì thấm mệt và có phần chán nản vì nhãn xuồng thật sự khó bán.
Ngoài nhãn, xoài tứ quý Thạnh Phú, xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc Bình Đại nổi tiếng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Xoài Đài Loan có giá bình quân 10 ngàn đồng/kg tại vườn, có thời điểm giảm chỉ còn vài ngàn đồng, so với năm trước có giá 30 ngàn đồng/kg. Xoài cát Hòa Lộc được trồng nhiều tại xã Thới Thuận, Thạnh Phước, Thừa Đức, huyện Bình Đại, những năm trước, giá bán tại vườn khoảng 40 ngàn đồng/kg, năm nay chỉ còn khoảng 20 - 25 ngàn đồng/kg. Xoài tứ quý là loại xoài ăn sống đặc trưng của vùng trồng Thạnh Phú, cũng bị đổ đống, hoặc chỉ bán đôi ba ngàn đồng/kg, trong khi mọi năm giá dao động 15 - 20 ngàn đồng/kg. Một khách hàng chua xót: “Bình thường giá xoài cát Hòa Lộc bán ngoài chợ rẻ lắm 60 - 70 ngàn đồng/kg, không dám mua, mà nay được mua giá 35 - 40 ngàn đồng/kg, lại còn được ship tới nhà”.
Ngoài nhãn, xoài, còn có bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, mít, mận, dâu xanh... Thời điểm này năm trước, giá sầu riêng Ri 6 tại vườn khoảng 70 - 80 ngàn đồng/kg, có thời điểm trên dưới 100 ngàn đồng/kg thì năm nay chỉ từ 35 - 60 ngàn đồng/kg, tùy loại. Giá thấp, sản lượng cũng sụt giảm từ 70 - 80% do ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài, cây suy kiệt và chết dần.
Mùa dịch Covid-19, người tiêu dùng tại địa phương được dịp mua dùng nhiều loại trái cây đặc sản tại chính địa phương qua các chợ và mua online. Qua đây cho thấy, chất lượng và giá trị thương hiệu mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh ngày càng được khẳng định đối với người tiêu dùng.
Tiêu thụ kênh online
Mùa dịch Covid-19, có khá nhiều những câu nói cửa miệng từ nhiều người như: “Bán hàng online còn ế thì nói gì bán ở chợ”, “Thời buổi này ai dám ra đường, bán hàng online thì họa may còn bán được”, “giờ bán cái gì cũng bán online, giao hàng tận nơi”... Đồng hành với người bán online, từ doanh nhân, tập đoàn lớn đến người buôn bán nhỏ lẻ, người thất nghiệp cũng có thể bán hàng online. Đặc biệt, bán hàng nông sản với mục tiêu vừa chia sẻ khó khăn với nhà vườn, góp phần tiêu thụ hàng hóa, vừa là kênh mưu sinh.
Một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch như Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T cũng đã thực hiện mô hình kinh doanh nông sản online nhằm chăm sóc, phục vụ đối tượng khách hàng là khách du lịch. Giám đốc Công ty Du lịch C2T Võ Văn Phong cho hay, anh nhắm vào tâm lý khách hàng không dám đi du lịch vì dịch bệnh nhưng vẫn muốn thưởng thức, trải nghiệm với đặc sản của xứ sở nổi tiếng cây trái ngon. Qua kênh này, anh tìm kiếm thêm khách hàng, xây dựng mối quan hệ mới và vừa chăm sóc, gìn giữ mối quan hệ cũ với khách hàng truyền thống, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khôi phục phát triển du lịch hậu Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Xuân Mai, người con của quê hương Bình Đại, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, Thư ký Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại Sài Gòn lần đầu tiên gia nhập đội ngũ bán hàng online trong mùa dịch Covid-19. Chị chọn lấy hàng trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh... từ Bến Tre và tỉnh Tiền Giang để bán online. Với chị Xuân Mai, bán hàng online không có lời nhiều như hoạt động kinh doanh thường ngày của chị nhưng chị chấp nhận trải nghiệm khó khăn vì tình yêu quê hương, chia sẻ khó khăn với người dân ở quê và phần vì muốn giới thiệu đặc sản ngon, an toàn của quê hương đến bạn bè gần xa.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc