Gắn kết tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm

25/11/2022 - 05:43

Chăm sóc hoa Tết ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Vũ

Chăm sóc hoa Tết ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Vũ

Lĩnh vực trồng trọt, tỉnh xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho cây dừa với quy mô 20 - 22 ngàn ha, tập trung tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Phát triển thêm ít nhất 13 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số HTX chuỗi dừa đến năm 2025 là 37 HTX, tỷ lệ HTX đạt khá, tốt trên 80%. Trong đó, có 1 HTX trong chuỗi đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 15 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp đầu ra, các doanh nghiệp đầu vào và các tổ hợp tác, HTX. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của chuỗi giá trị dừa.

Cây ăn trái, phát triển các sản phẩm chủ lực như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt ở huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Đến năm 2025, phát triển thêm ít nhất 5 HTX tham gia chuỗi cây ăn trái, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 1,5 - 2,2 ngàn ha. Tập trung phát triển mạnh về chất lượng, quy mô các chuỗi đã hình thành.

Cụ thể, chuỗi bưởi da xanh, đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 700 - 1.000ha, 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương. Ít nhất 1 HTX đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 4 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng trong tổng số HTX tham gia chuỗi.

Chuỗi chôm chôm, đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 700 - 1.000ha. Trong đó, 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương, có ít nhất 2 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng.

Chuỗi nhãn, đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 100 - 150ha. Trong đó, 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương, có ít nhất 2 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng.

Chuỗi sầu riêng, đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất tập trung khoảng 300ha. Có 1 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng.

Cây giống - hoa kiểng, phấn đấu đến năm 2025, phát triển thêm 10 HTX, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cây giống - hoa kiểng với diện tích từ 300 - 500ha. Trong đó, có 1 HTX doanh thu đạt 100 tỷ đồng, 9 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Giá trị sản xuất đạt 500 triệu USD. Đảm bảo trên 80% giống cây trồng lưu thông trên thị trường đạt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; 70% cây giống có nguồn gốc từ vườn cây đầu dòng được công nhận.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Đến năm 2025, chuỗi giá trị sản phẩm con heo đạt ít nhất 5% so với tổng đàn. Phát triển thêm 13 HTX tham gia chuỗi giá trị heo, có 3 HTX đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 35 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng trong tổng số HTX tham gia chuỗi.

Chuỗi giá trị sản phẩm con bò, phấu đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 5% so với tổng đàn. Phát triển thêm 11 HTX, trong đó, có 3 HTX đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 23 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Giá trị sản xuất chuỗi con bò đạt 500 triệu USD.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển thêm ít nhất 7 HTX, xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt diện tích 450ha (trong 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao). Trong đó, 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.

“Xác định sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, trong đó chú trọng tập trung củng cố và nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác, HTX là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp. Định hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Thanh Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN