Diện tích, năng suất cây trồng, sản lượng con nuôi phục hồi phát triển ổn định. Diện tích lúa khu vực Giồng Trôm, Ba Tri giảm khá nhanh, chuyển sang trồng dừa và cỏ kết hợp nuôi bò. Cây sầu riêng, chôm chôm đang phục hồi lại vị thế vùng cây đặc sản của Chợ Lách và Châu Thành. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, mô hình tôm - lúa, tôm - rừng đang có xu thế phát triển mạnh trong vùng nuôi tôm nước mặn ven biển.
Quản lý khai thác thủy sản, quản lý rừng, quản lý đê sông, đê biển và các hoạt động quản lý khác trong lĩnh vực ngành được tăng cường.
Các chương trình như: Phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, nước sạch nông thôn, quản lý thủy lợi, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm thực hiện khá tốt.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu.
Sản xuất nông nghiệp - thủy sản đã hình thành cơ bản vùng trồng, vùng nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái nông nghiệp nên năng suất, sản lượng nuôi - trồng cao hơn. Các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp bước đầu được hình thành, phát triển tạo ra giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp - thủy sản, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập nông thôn tạo nguồn nội lực trong dân để huy động xây dựng xã nông thôn mới.
Xây dựng xã nông thôn mới thật sự tạo nhiều khởi sắc trong bộ mặt nông thôn Bến Tre. Hạ tầng nông thôn phát triển. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tốt theo hướng nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ngành nghề nông thôn, phong trào xây dựng xã văn hóa phát triển. Tất cả đã góp phần xây dựng xã nông thôn mới văn minh, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa còn một số hạn chế: Sản xuất nông nghiệp - thủy sản mang tính manh mún, nhỏ lẻ về quy mô và nặng tính tự phát, thiếu nhanh nhạy đáp ứng theo tín hiệu thị trường. Sản phẩm chưa đáp ứng tốt theo yêu cầu thị trường, tính cạnh tranh thấp, sức tiêu thụ hàng hóa yếu gây ra ách tắc, ùn ứ sản phẩm, còn loay hoay trong chu kỳ “được mùa mất giá”. Hiệu quả kinh tế nông nghiệp không cao.
Việc xây dựng, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp còn chậm. Tổng sản lượng nông nghiệp - thủy sản tham gia chuỗi quá thấp. Quy mô diện tích vùng nguyên liệu sạch còn quá khiêm tốn so với yêu cầu. Giá trị tăng thêm các chuỗi sản phẩm không cao và khả năng thích ứng yêu cầu mới của thị trường còn chậm.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều yếu kém. Kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) yếu kém. Xây dựng vùng nguyên liệu sạch còn nhiều bất cập. Công nghiệp chế biến chưa phát triển mạnh. Giá trị tăng thêm trong nông nghiệp thấp. Thu nhập nông thôn, nông dân không cao có lúc rơi xuống cực thấp. Chất lượng xây dựng xã nông thôn mới còn nhiều bất cập, còn nợ tiêu chí lúc công nhận và đang có biểu hiện sa sút nhiều mặt.
Vi phạm pháp luật về quản lý an toàn các công trình đê sông, đê biển, công trình thủy lợi, quản lý bảo vệ rừng còn xảy ra. Chưa kéo giảm tốt việc vi phạm quy định IUU về đánh bắt cá trên biển. Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng vật tư sản xuất nông nghiệp - thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp - thủy sản còn nhiều bất cập.
Quản lý đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp cũng còn một số hạn chế như: Tiến độ giải ngân vốn ODA trong các hợp phần dự án phát triển sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển Thạnh Phú, Ba Tri thuộc trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm. Vốn đầu tư cho kế hoạch phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phân tán, lồng ghép từ nhiều nguồn đầu tư. Việc đầu tư hệ thống hạ tầng vững nuôi thiếu tính đồng bộ và kịp thời cho yêu cầu sản xuất.
Trong đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, gồm cả nguồn phân cấp cho huyện, thành phố chưa được quản lý chặt chẽ trong khâu nghiệm thu, dẫn đến thất thoát khối lượng, chất lượng nạo vét công trình không cao, gây lãng phí ngân sách.
Hệ thống hạ tầng cảng cá chưa phát huy tốt hiệu quả do có cảng nhưng chưa đồng bộ với hệ thống cơ giới chuyển tải, phân loại sản phẩm, hệ thống đông lạnh, phân phối thị trường... tiêu hao sản phẩm sau thu hoạch tại các cảng cá Bến Tre nói riêng, nghề cá Bến Tre nói chung là rất lớn, từ 25-30%. Sức cạnh tranh yếu kém, hàng hóa không về cảng.
Quản lý dịch hại trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản theo tiêu chí sản xuất sạch còn nhiều bất cập. Tỉnh chưa có hệ thống cảnh báo dịch hại, chưa có hệ thống quản lý, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng dịch hại phổ biến quan trọng, dịch hại lạ trên địa bàn, chưa có hệ thống phòng trừ sinh học, tổng hợp có hiệu quả đối với dịch hại trong nông nghiệp để giúp nông dân bảo vệ mùa màng và sản xuất sạch. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản của Bến Tre còn lạm dụng hóa học ở mức cao, hoàn toàn nghịch lý với sản xuất sạch theo yêu cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, từ những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập trong quản lý ngành, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị: Tập trung các biện pháp, tăng cường nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh lên chuỗi mạnh, có thương hiệu mạnh, tạo chuyển biến mạnh sản xuất nông nghiệp Bến Tre sang kinh tế nông nghiệp thật sự hiệu quả cao. Tăng cường quản lý nhà nước trong ngành, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong từng ngành, lĩnh vực trong nông nghiệp - thủy sản như đã nêu ở phần trên. Tăng cường quản lý đầu tư công trong ngành, đầu tư với tinh thần mang lại hiệu quả toàn diện, tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách và tiền tài sản của Nhân dân đóng góp. Xem xét đánh giá lại hệ thống thủy lợi nội đồng toàn tỉnh sau thời kỳ hoàn thành dự án ngọt hóa Bến Tre từ nguồn JICA3 để hoạch định phát triển hệ thống thủy lợi toàn tỉnh phù hợp với tình hình mới.
Tr. Quốc