Gặp lại hai nữ chiến sĩ Ðội quân tóc dài năm xưa

11/01/2019 - 09:04

BDK - 59 năm trôi qua, nhưng khi kể lại về hồi ức những năm tháng chiến đấu, những giọt nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má cô Huỳnh Kim Xuyến - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bến Tre (giai đoạn 1968 - 1971). Ngồi cạnh bên, vừa soạn mấy cái bánh bông lan ra mời khách, cô Huỳnh Kim Loan vừa kể: “Thời đó, chiến tranh ác liệt, điều giữ cho mình luôn bước tới chính là lòng yêu nước, căm thù giặc”…

Cô Huỳnh Kim Xuyến (bên trái) và cô Huỳnh Kim Loan.

Cô Huỳnh Kim Xuyến (bên trái) và cô Huỳnh Kim Loan.

Một dạ kiên cường

Cô Tư Xuyến và cô Sáu Loan là hai chị em ruột, cùng sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, quê ở ấp Phú Quới, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách. Cả hai cô đều từng tham gia chiến đấu trong “Đội quân tóc dài” giai đoạn Bến Tre Đồng khởi 1960. Cô Tư Xuyến sinh năm 1941, từ 15 tuổi đã tham gia lực lượng thanh niên, đấu tranh công khai tại địa phương, trực tiếp tham gia trong Ban chỉ huy lực lượng “Đội quân tóc dài” tại cơ sở. Đến năm 1963 - 1964, cô được rút về Huyện Đoàn Chợ Lách. Từ năm 1965, cô công tác tại Tỉnh Đoàn Bến Tre.

Cô Sáu Loan sinh năm 1947, từ thuở 15 tuổi cô cũng đã đi theo lực lượng đấu tranh tại địa phương, giả nhiều tuồng chữ khác nhau để viết đơn cho các bà, các chị. Thời điểm Đồng khởi, cô được phân công làm liên lạc, rồi làm du kích ở xã. Đến năm 1965, cô Sáu là Xã đội phó xã Vĩnh Hòa.  Năm 1967, cô công tác tại Huyện Đội Chợ Lách. Sau giải phóng, cô Sáu Loan là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Hòa (giai đoạn 1981 - 1989). Tôi hỏi cô Sáu, sao lúc đó còn nhỏ tuổi mà cô Sáu gan dạ vậy? Cô Sáu cười nói: “Nhờ các anh, các chị đi trước động viên, giáo dục cho mình đi theo”. Cha của cô Tư và cô Sáu đi kháng chiến, mẹ mất sớm, 5 anh em các cô về sống với người cô ruột cũng là mẹ chiến sĩ, là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ. Trưởng thành, 5 anh em đều tham gia cách mạng, người anh thứ ba hy sinh khi chưa lập gia đình.

Cô Tư và cô Sáu đảm nhiệm hai nhiệm vụ khác nhau, chiến đấu ở hai địa bàn khác nhau nên ít có cơ hội gặp nhau trong công tác. Nhưng có một lần, hai cô gặp lại nhau trong một hoàn cảnh không ngờ - ở khám Lá, Bến Tre. Cô Tư bị bắt năm 1971, ban đầu giam ở khám Lá, Bến Tre, sau chuyển lên Thủ Đức rồi ra Tân Hiệp, Biên Hòa. Lúc bị bắt giam ở khám Lá, cô Tư bị giặc tra tấn bằng nhiều hình thức nhưng chúng không khai thác được thông tin gì. “Hôm đó lính vào bảo Tư có người em, kéo Tư ra phòng thẩm vấn thì Tư thấy Sáu đang ngồi đó, tóc tai rũ rượi…”, cô Tư Xuyến kể lại. Khi cô Sáu bị bắt, rủi sao lại có mang theo hình của cô Tư cùng 3 người con nên giặc ráo riết tra hỏi, đánh đập hòng nắm thông tin buộc tội cô Tư. Sức mạnh duy nhất khiến cô gái 20 tuổi Huỳnh Kim Loan khi ấy can đảm chịu các đòn tra tấn của giặc là quyết tâm giữ gìn khí tiết người chiến sĩ cách mạng và để bảo vệ người chị ruột của mình. “Sáu nhớ tuồng cải lương về chị Võ Thị Sáu mà Sáu coi ở chợ Ba Vát, thà hy sinh quyết giữ khí tiết người chiến sĩ cách mạng, không khai tổ chức, không khai Tư”. Tra tấn, đánh đập, giam giữ 1 tháng, không thu được kết quả, chúng đành thả cô Sáu ra. Nhưng cô Tư thì ở tù, qua 3 nhà giam tới gần 1 năm rưỡi mới được trao trả.

Di chứng của những đòn tra tấn của giặc và những năm tháng chiến tranh làm cho sức khỏe của cô Tư và cô Sáu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cô Tư Huỳnh Kim Xuyến và cô Sáu Huỳnh Kim Loan đều là thương binh hạng 3/4.

Nghĩa Tình keo sơn

Là một trong những nhân chứng đã bước qua giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, những mẩu chuyện mà cô Tư kể lại như những lát cắt lịch sử, qua đó bừng lên tình quân dân như cá với nước, tình đồng chí đồng đội keo sơn, tình người với người trong khó khăn, hoạn nạn. Người nữ cựu chiến binh gần bước sang tuổi 80 nhìn xa xăm, hồi tưởng: “Trong chiến tranh, tình người gắn bó, thương nhau đậm đà lắm. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc làm cho con người trở nên gần nhau hơn, cùng chết cùng sống”.

Những hình ảnh anh chị em thanh niên xung phong ra mặt trận luôn in sâu mãi trong lòng các cô. Là người làm công tác vận động, tập hợp thanh niên, không nhớ đã bao nhiêu lần cô Tư tiễn quân lên đường. Có những trường hợp ra đi mới qua lộ đã hy sinh, chưa đến đơn vị. Có những anh em bị bao vây, chiến đấu đến phút cuối bẻ súng vùi dưới bùn, quyết không để giặc lấy vũ khí, còn lựu đạn thì rút kíp tung về phía giặc rồi hy sinh, chính tay cô Tư cùng các chị khi ấy tắm rửa cho các anh chị trước khi chôn cất. Có bà má miền quê tham gia đấu tranh với Đội quân tóc dài bị giặc bắn hy sinh. Có người em gái trong xóm xung phong đi đấu tranh bị giặc đánh bằng báng súng, hộc cả máu tươi. Ấy vậy mà, biết bao người con gái, con trai khi ấy vẫn gan dạ xung phong ra trận. Tất cả vì lý tưởng, vì quyết tâm đấu tranh, giành độc lập tự do cho quê hương. “Ngày xưa chiến tranh mất mát nhiều quá, đau thương quá. Đến ngày lễ, Tết ngồi nhớ lại thì thấy thương các anh chị, các em đã ngã xuống. Có những em mà mình đã tiễn đi khi ấy cũng chưa bao giờ gặp lại, không biết mất còn thế nào…”, cô Tư Xuyến ngậm ngùi.

Dù đã cao niên nhưng hai cô vẫn tiếp tục bền bỉ cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương. 59 năm tuổi Đảng, cô Tư Xuyến hiện là “cố vấn” của chi bộ ấp Phú Quới, xã Vĩnh Hòa. Những năm qua, cùng chung tay với địa phương xây dựng quê hương Vĩnh Hòa lên nông thôn mới, cô Tư đã vận động mạnh thường quân và con cháu trong gia đình đóng góp xây dựng nhiều cầu, đường giao thông nông thôn tại địa phương. Cô Sáu và gia đình cùng chung tay tham gia nhiều phong trào do địa phương phát động. Các con trai, con gái của cô Tư và cô Sáu là những cán bộ, công chức tiếp tục noi theo truyền thống gia đình, cống hiến xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN