Ghi dấu chiến thắng oanh liệt của Tiểu đoàn 261

09/01/2017 - 07:45

Đại biểu tham dự khởi công xây dựng Bia Chiến thắng Châu Hưng. Ảnh: H. Đức

Được thành lập ngày 2-1-1961, Tiểu đoàn 261 (Quân khu 8) đã có những trận đánh và chiến thắng oanh liệt. Điển hình như trận đánh vào khu trù mật Thiên Hộ (Hậu Mỹ) giải phóng một vùng rộng lớn của Đồng Tháp Mười, tiếp đó là chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963. Theo thời gian, Tiểu đoàn 261 ghi thêm nhiều chiến công oanh liệt, trong đó có trận đánh tại xã Châu Hưng (Bình Đại) vào đầu năm 1967.

Đầu năm 1967, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam phục vụ cho chiến tranh cục bộ. Địch đóng quân ở Long An và xây dựng căn cứ ở Đồng Tâm (Mỹ Tho), tiến hành nhiều cuộc càn quét gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bến Tre quyết tâm đánh những đòn quyết định vào ngụy quân. Tiểu đoàn 261 được Quân khu 8 điều động về hỗ trợ cho Bến Tre và chọn Châu Hưng (Bình Đại) làm điểm, vì đây được xem là đường huyết mạch của tiểu khu Kiến Hòa. Theo nhận định của Tỉnh ủy, nếu giải phóng được Châu Hưng, ta sẽ xây dựng được vùng căn cứ lõm, tiếp giáp với các xã: Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa và Châu Bình để làm bàn đạp tấn công, phá thế kìm kẹp của địch tại huyện Bình Đại. Bấy giờ, đồng chí Hai Thanh - Phó chính ủy Quân khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 261 và Tiểu đoàn 516 tổ chức đánh địch theo phương pháp là đánh bồi, đánh nhồi, đánh không cho địch kịp trở tay; đồng thời, giao cho huyện Giồng Trôm và huyện Bình Đại lo công tác hậu cần, dân công hỏa tuyến, phục vụ cho chiến đấu lâu dài ở Châu Hưng.


Khen thưởng cho các cá nhân có thành tích đóng góp trong xây dựng công trình.

Sau khi điều nghiên địa hình, Châu Hưng là ốc đảo nhỏ, bốn bề sông nước chảy xiết, khoảng giữa là tỉnh lộ 883 nối liền Bình Đại với chi khu Trúc Giang (thuộc tiểu khu Kiến Hòa), đây cũng là đường vận chuyển nhanh để cứu binh, tiếp viện của địch. Ta lập thế trận bày sẵn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 261 và lực lượng bộ đội địa phương quân đánh trận này đều hạ quyết tâm sẽ giành chiến thắng.

Đêm 4-1-1967, một đại đội của Tiểu đoàn 261 tiến công đánh đồn Châu Hưng. Cùng lúc này, bộ đội địa phương quân nổ súng tấn công đồn Giồng Quéo nhằm làm yếu và gây hoang mang trong lực lượng địch. Chỉ trong vòng 1 giờ, ta đã chiếm được đồn Châu Hưng, tiêu diệt 1 trung đội lính dân vệ và tề ngụy đóng tại đây. Sáng hôm sau, địch tức tốc đưa đại đội lính bảo an và trung đội dân vệ từ Bình Đại tới chi viện để lấy lại đồn. Tiểu đoàn 261 đã tổ chức tập kích và tiêu diệt được đại đội bảo an và lính dân vệ địch rồi rút về xã Lương Hòa (Giồng Trôm) thực hiện chiến thuật nghi binh.

Bị thua 2 trận liên tiếp, khu chiến thuật Mỹ Tho (thuộc Quân đoàn 4 ngụy) đưa tiểu đoàn biệt động 32 đến cứu nguy. Tiểu đoàn 261 đã phối hợp với 1 đại đội của Tiểu đoàn 516 Bến Tre tấn công địch ở Châu Hưng lần thứ 3. Sau 1 giờ nổ súng, ta tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn biệt động của địch, bắt sống 25 tên địch (trong đó có 2 cố vấn Mỹ), giải phóng xã Châu Hưng và một số xã lân cận.

Sáng 8-1-2017, Ban liên lạc Tiểu đoàn 261 Giron Bến Tre đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Châu Hưng (8-1-1967 - 8-1-2017) và khởi công xây dựng Bia Chiến thắng Châu Hưng. Bia được xây dựng trên phần đất có tổng diện tích 1,17 ngàn mét vuông tại ấp Hưng Chánh. Phần nền và tượng đài bia được xây với diện tích 400m2, trụ bia được xây cao 2m, ngang 10m, làm bằng đá granite. Tổng kinh phí 2,75 tỷ đồng; trong đó, phần giải phóng mặt bằng 1,15 tỷ đồng được chi từ ngân sách huyện Bình Đại hỗ trợ, kinh phí xây dựng 1,6 tỷ đồng, do Ban liên lạc Tiểu đoàn 261 Bến Tre vận động. Hiện tại, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 1 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục vận động. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành sau thời gian thi công là 5 tháng.

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho tập thể và 2 cá nhân, UBND huyện tặng giấy khen cho 2 cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng công trình.

Sau 3 lần tấn công địch tại Châu Hưng, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 500 địch quân (có 2 cố vấn Mỹ), thu nhiều súng đạn, bắn rơi 1 máy bay trực thăng và bắn bị thương 1 máy bay. Đây là chiến thắng lớn nhất của quân và dân xã Châu Hưng, thể hiện chiến thuật quân sự tài tình, đấu pháp khéo léo và tinh thần đoàn kết, quyết tâm chống giặc cao độ của quân và dân xã Châu Hưng.




Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN