Giá cả hàng hóa ổn định trong dịp Tết

07/02/2022 - 06:02

BDK - Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ. Thời điểm trước Tết, giá hàng hóa có tăng nhưng không có tình trạng sốt hàng, sốt giá bất thường.

Bông giấy Phú Sơn được vận chuyển ra chợ. Ảnh: Thanh Đồng

Bông giấy Phú Sơn được vận chuyển ra chợ. Ảnh: Thanh Đồng

Hoa kiểng tiêu thụ giá tốt

Theo ghi nhận tại huyện Chợ Lách, tổng sản phẩm hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đạt khoảng 8,2 triệu sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh (giảm 26% so với cùng kỳ năm trước). Các loại hoa nở (cúc, vạn thọ…) 2,5 triệu sản phẩm, mai vàng 1,5 triệu sản phẩm, hoa giấy 2 triệu sản phẩm, tắc kiểng 1,2 triệu sản phẩm, còn lại là các loại hoa kiểng khác. Trong đó, sản lượng hoa nở giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân đã chủ động giảm sản lượng sản xuất hoa (hoa nở giảm 50% sản lượng).

Sản phẩm bán tại vườn chiếm hơn 75% (tăng 15% so với năm 2021), còn lại là bán ra tại các chợ truyền thống. Giá bán tại vườn bình quân cao hơn năm 2021 từ 10 - 20%. Trong đó, cúc, vạn thọ có giá từ 120 - 150 ngàn đồng/cặp. Các loại cúc khác giá bình quân từ 150 - 200 ngàn đồng/cặp. Tắc, mai vàng, hoa giấy tùy theo kích cỡ có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Các mặt hàng như: cúc mâm xôi, vạn thọ, bông giấy tiêu thụ tại vườn tốt trong những ngày trước Tết. Các mặt hàng khác như tắc, mai vàng tiêu thụ ổn định.

Thị trường chợ hoa Tết ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre trong những ngày 28, 29 tháng Chạp âm lịch có 30% sản phẩm được bán với giá cao hơn từ 10 - 20% so với thời điểm trước Tết. 70% sản phẩm còn lại tiêu thụ ổn định. Nhìn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm hoa kiểng Tết năm nay tiêu thụ cơ bản giá tốt.

Đối với trái cây, vào dịp Tết năm nay, những loại trái cây được nông dân thu hoạch và tiêu thụ nhiều nhất là bưởi các loại, quýt đường giá tốt hơn năm 2021.

UBND huyện Chợ Lách đã chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tết để phục vụ cho người dân, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, theo dõi diễn biến thị trường cung - cầu hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc...

Hàng hóa lưu thông thuận lợi

Trong thời điểm Tết, nhất là ngày mùng 1 (1-2-2022), các chợ, trung tâm thương mại, Siêu thị Co.opmart Bến Tre, chuỗi cửa hàng Vinmart+, Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh đều ngừng hoạt động và dần trở lại hoạt động ổn định từ mùng 3 và mùng 4, riêng Siêu thị GO! Bến Tre trong ngày 2-2-2022 hoạt động trở lại theo khung giờ từ 8 giờ - 21 giờ mỗi ngày. Các chợ truyền thống, các hộ tiểu thương hoạt động kinh doanh bình thường.

Hoạt động chợ Đầu mối nông thủy sản Bến Tre sau những ngày nghỉ Tết. ảnh: Ph. Hân

Hoạt động chợ Đầu mối nông thủy sản Bến Tre sau những ngày nghỉ Tết. ảnh: Ph. Hân

Giá hàng hóa thời điểm trước, trong và sau Tết cũng ở mức dễ chịu do thói quen tích trữ thực phẩm trong những ngày Tết của người dân đang dần giảm lại và sự lưu thông hàng hóa trên thị trường diễn ra thuận lợi, thông suốt.

Giá gạo các loại dao động từ 11 - 25 ngàn đồng/kg, tùy loại. Giá heo hơi dao động ở mức khoảng 51 - 54 ngàn đồng/kg, giá thịt heo bán lẻ từ 70 - 160 ngàn đồng/kg, tùy loại. Gà công nghiệp làm sẵn từ 40 - 50 ngàn đồng/kg tùy loại; gà thả vườn, nuôi thả bán công nghiệp từ 65 - 85 ngàn đồng/kg (có tăng từ 1 - 10 ngàn đồng/kg; gà thả vườn tự nhiên từ 90 - 100 ngàn đồng/kg (giảm 1 - 5 ngàn đồng/kg). Trứng gà từ 2.500 - 3.000 đồng/trứng; trứng vịt 3.500 - 4.000 đồng/trứng. Thịt bò từ 150 - 250 ngàn đồng/kg.

Tôm thẻ tăng nhẹ từ 100 - 180 ngàn đồng/kg, tùy loại. Lạp xưởng từ 150 - 230 ngàn đồng/kg. Khổ qua các loại từ 20 - 30 ngàn đồng/kg (giảm gần 30 ngàn đồng/kg so với thời điểm trước Tết). Rau tươi các loại 20 - 40 ngàn đồng/kg; cà chua, dưa leo từ 15 - 30 ngàn đồng/kg; bắp cải 18 - 25 ngàn đồng/kg; bí đỏ giá 20 ngàn đồng/kg, hành tím loại củ 30 - 35 ngàn đồng/kg; dưa hấu 15 - 25 ngàn đồng/kg…

Giá các loại trái cây chưng mâm ngũ quả ngày Tết cũng tăng gấp đôi so với ngày thường, điển hình như mãng cầu, quýt: 60 - 65 ngàn đồng/kg; bưởi da xanh tại vườn 30 - 45 ngàn đồng/kg…

Tại chợ truyền thống ở các xã, huyện, hàng hóa cũng dồi dào, phong phú, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng sức mua dịp Tết Nguyên đán khá cao do người dân vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19, vì thế, tâm lý người dân phấn khởi, ai cũng vui vẻ đón nhận một cái Tết no đủ, đầm ấm, trọn vẹn.

Đến nay, có 37 đơn vị kinh doanh du lịch được thẩm định và đủ điều kiện hoạt động trở lại theo Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ ngày 29-1 đến 4-2-2022 (tức 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 4 Tết Nhâm Dần), tổng khách du lịch ước đạt trên 15 ngàn lượt khách, trong đó có 293 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 14 tỷ đồng. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt từ 40 - 50%, trong đó lượng khách đến khu du lịch Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú ước đạt trên 10 ngàn lượt.

C. Trúc - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích