Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), bài 1:

Giá trị lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam

01/03/2023 - 05:52

BDK - Tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa (VH) Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo đã được Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về VH, xác lập VH là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, VH). Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển VH, con người Việt Nam.

Các chiến sĩ đọc sách tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Ảnh: Thanh Đồng

Các chiến sĩ đọc sách tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Ảnh: Thanh Đồng

Văn hóa là một mặt trận

Theo tham luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại hội thảo khoa học cấp quốc gia mới đây đã khẳng định: Đề cương về VH Việt Nam năm 1943 xác định rõ phạm vi và nội hàm của VH, gồm 3 thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đề cương đã khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của VH cũng như giữa VH với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong khi các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền VH dân tộc thì toàn bộ nền VH đó cũng chính là một “mặt trận”, có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị.

Luận điểm “VH là một mặt trận” được coi là tuyên ngôn của Đảng về sứ mệnh và vị thế của VH. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận tổng thể của Đảng ta đối với việc giải quyết các yêu cầu và mục tiêu lớn của đất nước. Trong bối cảnh lịch sử đương thời, luận điểm này là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức, kiến tạo nền tảng và nguồn sức mạnh tinh thần cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề cương khẳng định mặt trận VH sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng VH với 3 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người trước hết, nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác VH, văn nghệ. Quan trọng hơn nữa, con người, hay nói chính xác hơn là quần chúng nhân dân, chính là chủ thể của VH, là lực lượng sáng tạo, trao quyền, gìn giữ và phát huy các giá trị VH. Nền VH mới mà Đảng ta hướng tới chính là nền VH thuộc về nhân dân và do nhân dân xây dựng, phát triển vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân.

Đề cương về VH Việt Nam coi VH như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. VH hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. VH bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa VH nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc VH dân tộc. Việc lựa chọn các giá trị phù hợp để kế thừa dựa trên tinh thần khách quan và tư duy phê phán là một yêu cầu quan trọng đối với phát triển VH. Thái độ khoa học, tiến bộ này của đề cương cung cấp cho chúng ta một nền tảng lý luận quan trọng về động năng và tính kế thừa của VH.

Nền móng cho lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam

Đề cương về VH Việt Nam năm 1943 được xem là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận VH cách mạng Việt Nam. 3 năm sau ngày đề cương ra đời, tại Hội nghị VH toàn quốc lần thứ nhất khai mạc vào ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của VH đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: “VH phải soi đường cho quốc dân đi”. Kể từ thời điểm này cho đến năm 1975, đường lối VH kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về VH Việt Nam đã đề ra.

Trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của VH cũng như các mục tiêu phát triển VH cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới. Cụ thể, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã xác định, nền VH mà chúng ta xây dựng là “nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; là một trong 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thông qua như một bản chiến lược về phát triển VH Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này được làm sâu sắc hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển VH, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã khẳng định mục tiêu “xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Năm 2020, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển VH, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. VH là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định xây dựng VH trong chính trị và kinh tế vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ VH phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển VH, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Như vậy, trải qua 80 năm, các luận điểm của đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của VH như nguồn lực nội sinh cho phát triển, sự gắn kết của VH với kinh tế, chính trị, xã hội, ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển VH và các nguyên tắc vận động của VH đã được chứng minh là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng của mình và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về VH. Quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học của nền VH cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của VH Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Đề cương về VH Việt Nam như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển VH, phát triển con người ở Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành toàn quốc, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học. Chủ trì hội thảo có, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tại điểm cầu tỉnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tham dự.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN