Giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết

10/01/2024 - 05:31

BDK - Dự báo thị trường vào dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua sắm của nhân dân đố́i với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng. Các hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn và cao hơn các tháng trong năm. Sở Công Thương đã có kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã chuẩn bị hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường Tết.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã chuẩn bị hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường Tết.

Cân đối cung cầu

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, qua khảo sát, sản lượng nông, thủy sản sản xuất của tỉnh cung cấp trong tháng 12-2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 khá dồi dào. Cụ thể, từ 7.500 - 9.000 tấn heo, 6.000 - 7.500 tấn bò, 1.000 - 4.500 tấn gia cầm, trứng gia cầm 6 - 7,5 triệu quả. Các mặt hàng thủy sản đa dạng như: tôm càng xanh 50 tấn, tôm sú 150 tấn, tôm thẻ chân trắng 1.500 tấn, nghêu 105 tấn, mực 3 ngàn tấn; cá xô, tạp 9.500 tấn, cá tra 10 ngàn tấn… Sản phẩm chưng ngày Tết như bưởi 3 ngàn tấn, dưa hấu 4 ngàn tấn, xoài các loại 2.200 tấn, các loại quả (quýt, dứa, thanh long...) 3 ngàn tấn.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh tỉnh La Thị Nga cho biết, đối với thị trường nội địa, sức tiêu thụ hơi chậm hơn so với mọi năm. Tết năm nay, HTX ước cung ứng khoảng vài tấn bưởi loại nhất cho thị trường. Mẫu mã sản phẩm bưởi khá đa dạng, hấp dẫn như hình hồ lô, thỏi vàng và có cành lá, được tạo chữ nổi (tài, lộc, phú, quý) hoặc có dán chữ thư pháp Phước, Lộc, Thọ để làm quà tặng, dâng cúng tổ tiên với ước muốn phát lộc, phát tài nhân dịp đầu năm mới. Đi kèm với sản phẩm bưởi trái tươi, HTX phục vụ các giỏ quà Tết là các sản phẩm khác như: nước ép bưởi, rượu bưởi, mứt bưởi, các loại nước ép khác…

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, đến nay, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cân đố́i cung cầu, chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, với tổng trị giá trên 250 tỷ đồ̀ng. Trong đó, Siêu thị Co.opmart Bến Tre 70,25 tỷ đồng, Siêu thị Go!Bến Tre 48,768 tỷ đồ̀ng, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 53 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Trúc Giang Bến Tre 45 tỷ đồng; Công ty TNHH TM-DV Hai Chung 12 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân Hải Nga 10 tỷ đồng. Các công ty phân phối như: Lâm Duyên, Bảo Trinh, Giấy Khuê Hưng, Trúc Quang... nguồn hàng dự trữ từ 1,5 - 5 tỷ đồng. Riêng Công ty Lương thực Bến Tre dự trữ gạo các loại 500 tấn, tại kho huyện Ba Tri và tại các cửa hàng Phường 2, Phường 7, TP. Bến Tre.

Toàn tỉnh có 2 kho xăng dầu dự trữ khoảng 6.500m3 xăng dầu và 365 cửa hàng bán lẻ đảm bảo phục vụ nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân.         

Ưu tiên các nhóm hàng bình ổn thị trường

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối đã chủ động tăng từ 5 - 20% các mặt hàng rau, củ, quả, thịt các loại (heo, gia cầm, hải sản...), sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm mát; sản phẩm rượu, bia giảm từ 3 - 5%. Các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy hải sản. Đặc biệt, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bắt đầu luân phiên giảm giá mạnh đối với sản phẩm vệ sinh, trang trí nhà cửa, các loại thực phẩm ngâm, mứt, gia vị, cận Tết là lạp xưởng, trái cây, bánh chưng, mâm cỗ tết...

Tại chợ đầu mối nông sản Phường 8, TP. Bến Tre, các tiểu thương đã chủ động trong việc kết nối, tìm kiếm, thu gom nguồn hàng mới. Dự báo sản lượng hàng hóa tiêu thụ tăng, cụ thể: rau, củ, quả tăng từ 30 - 60%, thủy hải sản tăng 40 - 42%, thịt (gia súc, gia cầm) tăng 38 - 50%, trứng gia cầm tăng 14 - 25%, các mặt hàng gia vị tăng 75 - 80%, giá bán các mặt hàng dự báo dao động tăng từ 6 - 80% so với ngày thường.

Tình hình sản xuất hoa, kiểng tại huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, nông dân sản xuất các mặt hàng hoa, kiểng truyền thống như: vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, mai vàng, hoa giấy, tắc kiểng trong chậu, kiểng lá... Sản lượng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay có giảm so với năm 2023, ước khoảng 13,5 triệu sản phẩm các loại.

Hiện nay, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc sở, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, xử lý các biến động bất thường của thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chủ động và linh hoạt, có các biện pháp điều tiết cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc đầu cơ gây sốt giá thị trường; hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định vào dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Việc triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn thương mại điện tử...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN