Giải pháp đẩy nhanh xây dựng các khu, cụm công nghiệp

31/05/2023 - 08:37

BDK - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) với chỉ tiêu “Mỗi huyện 1 CCN ít nhất 70ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp” và hoàn thành lấp đầy KCN Phú Thuận, Sở Công Thương đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lựợng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, bước đầu triển khai thực hiện đạt một số kết quả.

Khảo sát hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành.

Khảo sát hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 2 KCN Giao Long 1, 2 và An Hiệp với tổng diện tích 241,5ha, đã thu hút 52 dự án (DA) đầu tư, trong đó có 29 DA trong nước, tổng vốn đăng ký đạt 6.468 tỷ đồng và 23 DA có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký là 443 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 33.892 lao động. Hiện nay, diện tích đất thuê trong 2 KCN đạt 100%, không còn quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, KCN Giao Long (giai đoạn 1, 2) đã cho thuê 124ha; KCN An Hiệp đã cho thuê 50,71ha. KCN Phú Thuận (231,78ha) đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai thực hiện các công việc tiếp theo để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mời gọi các DA đầu tư thứ cấp.

Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn nhằm phát triển các CCN trên địa bàn. Có 9 CCN được thành lập, với tổng diện tích 329,3ha, 7 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 217,2ha, đã cho thuê 81,3909ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 37,48% diện tích đất công nghiệp. Có 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 28 DA đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.839,02 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.953 lao động, trong đó có 13/28 DA đi vào hoạt động. Trong 4 CCN đang hoạt động thì có 3 CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vận chuyển hàng hóa trong CCN. Các khu, CCN: Giao Hòa, An Nhơn, Thanh Tân, Phú Hưng, An Hòa Tây... cũng đang có nhiều nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn là 21.409,95 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn phân bổ cho lĩnh vực công nghiệp là 2.525,171 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, đã bố trí kinh phí thực hiện 6 DA: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) KCN Phú Thuận; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm; DA CSHT KCN Giao Long (giai đoạn 2); xây dựng CSHT khu tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận; đầu tư CSHT phục vụ kêu gọi đầu tư huyện Châu Thành, giai đoạn 2; đầu tư xây dựng CSHT CCN Tân Thành Bình, với tổng kinh phí 1.637.907 triệu đồng.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, để đẩy nhanh thực hiện xây dựng các KCN, CCN trong thời gian tới, cần xác định việc đầu tư hạ tầng và GPMB các khu, CCN có vai trò quan trọng trong thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2022 - 2025; quyết định quy định chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, CCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư đồng bộ các hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào khu, CCN; giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc trong GPMB thực hiện DA nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho lĩnh vực đầu tư khu, CCN. Đồng thời, kiến nghị tỉnh hàng năm quan tâm cân đối, bố trí thêm vốn ngân sách cùng với nguồn vốn đối ứng của các huyện, thành phố, vốn xã hội hóa… để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào CCN, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thường xuyên theo dõi, khảo sát nắm tình hình triển khai thực hiện các khu, CCN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Các sở, ngành, các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định để thành lập, mở rộng, quy hoạch chi tiết các khu, CCN có trong quy hoạch, đặc biệt là các khu, CCN đang có nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư cũng như sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trên tinh thần luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và tạo nên những động lực mới cho kinh tế tăng trưởng nhanh”.

         (Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu)

     Bài, ảnh: Huyền Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích