Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường do nước xả thải ở khu vực đô thị

24/06/2024 - 05:33

BDK - Tình trạng ô nhiễm môi trường (MT) do nước xả thải trong sinh hoạt của người dân ở các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) tập trung ngày càng cao. Vì vậy cần có cuộc điều tra đánh giá thực trạng mức độ ô nhiễm MT do nước xả thải ở KĐT hiện nay và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.

Xây dựng hệ thống cống thoát nước mới tại Khu phố 3, Phường 4, TP. Bến Tre.

Xây dựng hệ thống cống thoát nước mới tại Khu phố 3, Phường 4, TP. Bến Tre.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Tâm, khi ĐT phát triển, dân cư tập trung càng đông thì MT tự nhiên dần bị thay thế, sức chịu tải MT có hạn sẽ bị tác động do chất thải của con người gây ra với khối lượng ngày càng tăng. Nếu không có giải pháp xử lý thì tất yếu sẽ phát sinh các vấn đề của ĐT như vấn nạn ô nhiễm rác, nước, không khí. Do đó, một trong những yêu cầu của quản lý ĐT là phải xuất phát từ khâu quy hoạch phát triển ĐT, trong đó việc đánh giá MT chiến lược, tác động MT ĐT gần như là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật, từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch để đảm bảo khắc phục các tác động MT như: phải có chỗ thu gom, xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom và xử lý nước thải; cải thiện MT tự nhiên thông qua việc trồng cây xanh, tạo thảm xanh, công viên, mặt nước nhằm cải tạo vi khí hậu đảm bảo mục tiêu phát triển ĐT xanh, bền vững. 

Hiện tại, công tác quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt ĐT được quan tâm. Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã đề xuất tham mưu tỉnh lộ trình ban hành giá dịch vụ thoát nước. Tiếp cận nhiều nguồn vốn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư dự án xử lý nước thải; ban hành quy định cụ thể về quản lý hoạt động thoát nước địa phương. Tuy nhiên, đối với việc nghiên cứu xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước tại TP. Bến Tre, qua tham khảo một số ngành, địa phương cho thấy trong bối cảnh kinh tế, thu nhập của người dân còn khó khăn và tâm lý người dân chưa sẵn sàng khi thành phố chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong quản lý cấp phép xây dựng yêu cầu phải tuân thủ theo quy hoạch, đảm bảo hành lang bảo vệ sông rạch trong ĐT. Trong hồ sơ luôn yêu cầu thể hiện hệ thống đấu nối thoát nước, hầm phân tự hoại; hệ thống xử lý nước thải.

Hệ thống thoát nước các ĐT hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh. Các ĐT hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho ĐT. Đối với TP. Bến Tre, khu vực trung tâm đã có hệ thống thoát nước chung được đầu tư từ trước năm 1975. Sau nhiều lần cải tạo, đến nay, hầu như đã thay thế hoàn toàn hệ thống thoát nước cũ nhưng chủ yếu vẫn đầu tư hệ thống cống chung gồm nước mưa và nước thải, chưa có hệ thống thu gom, xử lý; nước mưa và nước thải sau khi tiếp nhận hầu hết xả thải trực tiếp ra sông, rạch hiện hữu. Một số trục tuyến chính ĐT quá trình cải tạo chỉnh trang có thiết lập hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng nhưng chưa có hệ thống xử lý nên cũng chưa đồng bộ.

Về hệ thống xử lý nước thải, thời gian gần đây, tại một số dự án đầu tư phát triển KDC, KĐT đã có đầu tư trạm xử lý nước thải cục bộ cho từng dự án như KDC Hưng Phú với công suất thiết kế 350m³/ngày, KDC ĐT Phú Khương với công suất thiết kế 300m³/ngày, Khu nhà ở Sơn Đông với công suất thiết kế 500m³/ngày. Ngoài ra, TP. Bến Tre cũng đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện Dự án thí điểm thoát nước bền vững (SUDS) để xử lý ngập cục bộ khu vực đường 30-4, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Mặt khác, chất lượng nước mặt trên các sông, kênh rạch chảy qua các thị trấn và TP. Bến Tre cũng có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm, đặc biệt đối với kim loại nặng và các chất hữu cơ. Một số tuyến kênh, rạch, đường thoát nước trong KDC nội ô TP. Bến Tre, thị trấn các huyện đang dần bị ô nhiễm do tiếp cận và tiếp nhận nguồn nước thải từ sinh hoạt ĐT chưa được thu gom, xử lý. Một số tuyến kênh chưa được quản lý chặt chẽ nên bị lấn chiếm, xây cất làm cản trở dòng chảy dẫn đến ứ đọng, ô nhiễm. Một số tuyến kênh đã cạn nhưng chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy. Việc kiểm tra xử lý và chấp hành công tác bảo vệ MT chưa được cơ quan quản lý và người dân quan tâm đúng mức...

Trong thời gian tới, ngành xây dựng sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với ĐT chịu tác động biến đổi khí hậu. Phối hợp với ngành, địa phương rà soát quy hoạch thoát nước nhằm đảm bảo tư duy tiếp cận mới theo hướng thoát nước bền vững. Tham mưu tỉnh ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước. Tiếp tục kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý ưu tiên cho TP. Bến Tre, các ĐT loại IV. Kiến nghị các ngành, địa phương, nhất là chính quyền các ĐT trong điều kiện chưa thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, hoàn chỉnh cần tập trung vào các giải pháp trước mắt, ngắn hạn. Tăng cường quản lý, giám sát việc xả nước thải của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình đảm bảo vệ sinh MT. Kết hợp thường xuyên có kế hoạch nạo vét, khơi thông cống rãnh, sông rạch thoát nước trong ĐT, KDC tập trung. Tăng cường công tác kiểm tra việc xây dựng và hướng dẫn tổ chức, người dân thực hiện việc xây dựng hầm vệ sinh, hệ thống thu gom nước thải đúng theo bản vẽ thiết kế đối với trường hợp được cấp phép xây dựng, đảm bảo đúng theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng không phép, sai quy định; xây dựng công trình lấn chiếm kênh rạch, hệ thống thoát nước...

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN