Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động

11/05/2022 - 05:33

BDK - Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được ban hành trong thời gian giãn cách xã hội vào năm 2021. Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, việc thực hiện những chính sách này tại địa phương đã thu hút sự quan tâm của NLĐ. Nhìn lại những việc đã làm, không ít khó khăn được nhận diện và đúc kết một số kinh nghiệm.

Người lao động nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người lao động nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Một số kết quả

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành giám sát đối với UBND huyện Giồng Trôm và TP. Bến Tre về công tác triển khai, tuyên truyền, thực hiện nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg;   Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Những chính sách nói trên sử dụng nguồn kinh phí của địa phương là chủ yếu. Tổng kinh phí huyện Giồng Trôm và TP. Bến Tre đã thực hiện là 157,4 tỷ đồng, gồm: nguồn ngân sách tỉnh bổ sung, nguồn ngân sách huyện, thành phố; nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn và nguồn vận động xã hội hóa (thành phố vận động xã hội hóa số tiền 3,281 tỷ đồng) để hỗ trợ cho 66.827 đối tượng.

Trong các chính sách đã thực hiện hầu như chưa có tiền lệ là chính sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết HĐLĐ theo Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hay còn gọi là hỗ trợ cho lao động tự do. Cụ thể, huyện Giồng Trôm và TP. Bến Tre đã hỗ trợ lao động không có giao kết HĐLĐ, trong đó có hỗ trợ người bán vé số 2.267 lao động, số tiền 3,4 tỷ đồng. Lao động tự do (không HĐLĐ), hỗ trợ cho 42.743 lao động, số tiền 641,1 tỷ đồng.

Huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre và các xã, phường, thị trấn cử cán bộ trong Tổ thẩm định trao đổi, giải thích, trả lời các khiếu nại, thắc mắc của người dân đầy đủ, kịp thời để NLĐ nắm rõ những ngành nghề, nhóm đối tượng được hỗ trợ. UBND TP. Bến Tre và các xã, phường nhận 7 đơn khiếu nại, phản ánh của công dân và có văn bản trả lời không giải quyết hồ sơ 7 doanh nghiệp do không đủ điều kiện theo quy định.

Nhận diện khó khăn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, việc làm của NLĐ, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đánh giá là nhân văn, kịp thời hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn.

Thời gian ban hành các chính sách đã được rút ngắn vì tính cấp bách. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại tỉnh ngày 6-5-2022 nhìn nhận: “Khi xây dựng và triển khai chính sách, chúng tôi đã không lường hết diễn biến của dịch Covid-19. Dịch đã diễn ra nhanh và rộng, nhất là tại khu vực phía Nam nên một số chính sách chưa bao trùm hết toàn bộ các đối tượng. Có một số quy định quá chặt chẽ nên số đối tượng thụ hưởng chính sách còn thấp so với dự kiến ban đầu”.

Huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre cũng ghi nhận những khó khăn trong việc thực hiện chính sách như: Quá trình triển khai thực hiện có lúc còn trong thời gian giãn cách xã hội, một số địa phương tuyên truyền chưa sâu rộng nên một số người dân chưa nắm rõ đối tượng được hưởng, dẫn đến khiếu nại. Việc hướng dẫn NLĐ và hộ kinh doanh khai thông tin gặp khó khăn, nhiều hồ sơ NLĐ, hộ kinh doanh khai chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu cần xác minh làm rõ. Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chưa được triển khai, tập huấn các văn bản một cách cụ thể trong quá trình thực hiện nên còn lúng túng, do công việc không thường xuyên, thực hiện nhiệm vụ  phải kiêm nhiều việc.

Đáng lưu ý, quá trình giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, vẫn còn nhiều lao động tự do gặp khó khăn nhưng chưa được quy định trong 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dẫn đến thắc mắc, phân bì, khiếu nại. Còn sót đối tượng là lao động không có HĐLĐ.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng ghi nhận, đến thời điểm giám sát (báo cáo giám sát ghi ngày 6-5-2022), còn 15.302 người F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà chưa chi hỗ trợ, do việc tập hợp các giấy tờ có liên quan chậm và nhiều thành viên Tổ giúp việc tại các xã, phường và thành phố phải cách ly y tế F1, F0 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành một số chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân ở khu công nghiệp. Chính sách này sẽ kết thúc trong năm 2022. Trong thời gian tới, theo thông tin từ Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để ban hành những chính sách mới nhằm khôi phục sản xuất, hỗ trợ NLĐ. Do đó, việc mỗi địa phương tự đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện những chích sách hỗ trợ NLĐ thời gian vừa qua là rất cần thiết.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN