
Xe lưu động bán nông sản ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Ảnh: T. Thảo
Vậy là một năm rưỡi, kể từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cũng trong căn chòi nhỏ cất vội sau nhà để sống “né” với Covid này, tôi đã viết lên những dòng đầu tiên với ngập tràn cảm xúc về một trận dịch của thế giới. Nhưng chỉ cho riêng mình. Vẫn biết “ôn hoàn dịch lệ” không chỉ tới thời này mới có. Nhưng nó dữ dội quá, so với những trận khác đã từng xảy ra đây đó trên hành tinh này.
Tâm trạng tôi mấy ngày gần đây thật khó tả. Không phải lo sợ hoảng hốt, không buồn bã sân hận, không cảm thấy cô đơn trống trải. Lại càng không là hờn oán căm thù. Vậy mà cứ như trong tư thế “giặc giã” đang lan tràn, bủa vây tới! Một tâm trạng sao đó, thật khó mà nói nên lời… Dường như tất cả cảm xúc tôi đã trút hết vào đợt bùng phát dịch đầu tiên rồi hay sao. Để giờ đây tất cả trong tôi với “cô-vi” này, chỉ còn là sự tỉnh táo của lý trí.
Con số người nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh liên tục lập những đỉnh mới theo từng ngày. Các tỉnh thành miền Đông, khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo đó dần được nhuộm “đỏ” một màu. Đầu tháng Bảy, tỉnh đã thành lập bốn chốt kiểm soát người ngoài tỉnh nhập vào. Tiếp theo là nhiều địa phương, khu vực thi hành Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tới đây tôi hiểu là sắp có chuyện phải lo. Đúng là đáng lo thật.
Trước tình thế đặc biệt này, tôi không khỏi ngó lại thực trạng gia cảnh của mình. Gạo củi, khô, muối đã sẵn. Rau cỏ thì kia. Cũng nhờ cái tinh thần “cư an tư nguy” luôn sẵn trong người nên tôi đỡ phải lo âu gì nhiều. Mảnh vườn nho nhỏ hầu như không có cây cỏ nào không thể biến thành rau được. Từ đọt chiết, đọt mì, rau má, mồng tơi, đắng đất, lá cách, lá lốt, bồ ngót, đinh lăng, đinh hương, gừng nghệ, sả ớt, mã đề, bạc hà, cần ta… đến thân chuối hột, chuối lá. Tạm đủ. Chừng này chắc cũng dư cho tuyến “phòng thủ” đầu tiên của tôi rồi. Tôi cũng kịp đi chợ sắm thêm cái miệng chài mới. Vậy là chuẩn bị xong cho một “trận lớn”, nếu quả thật buộc mình phải đánh lớn!
Chuyện đã thực sự lớn bắt đầu từ ngày mười chín tháng Bảy, khi 19 tỉnh thành khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng chống Covid-19, trong đó có Bến Tre.
Tinh thần chung là nhà cách ly nhà, xóm ấp cách ly xóm ấp, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết… Các chốt kiểm soát người ra vào các địa phương nhanh chóng được thiết lập. Chính vì vậy nên ngay trong ngày thứ hai, chính quyền xã Mỹ Thạnh An đã cử cán bộ xuống tận từng nhà phát phiếu đi chợ cho người dân. Dù chưa đủ cơ sở để nói, nhưng tôi tin các phường, xã trong toàn thành phố, hẳn ở đâu cũng làm được điều này. Điều đáng vui mừng hơn là đã hơn tuần qua, nhưng tất cả các chốt kiểm soát quanh thành phố đều trôi chảy, êm đẹp. Đây đó trên mạng xã hội, thỉnh thoảng còn xuất hiện hình ảnh với những dòng status đùa vui, đầy lạc quan và không hề có chút ác ý. Cũng nhờ mạng xã hội mà tôi được biết anh Nguyễn Văn Trắng, bạn dạy học chung năm xưa ở Thạnh Phú đăng hình vườn rau trái của mình với lời mời mọc: “Tất cả vì giãn cách xã hội. Mời cô bác nào có nhu cầu xin cứ tự nhiên hái đủ dùng”. Ôi, quý hóa thay những tấm lòng vàng!
Đi tìm ở đâu cho xa. Truyền thống và bản lĩnh văn hóa của người Bến Tre được thể hiện thật rõ nét trong những cơn khó khăn hoạn nạn như thế này. Những bất tiện, thiếu thốn trong tình huống khẩn cấp đã ngay lập tức được bù đắp. Ngay từ trước khi áp dụng Chỉ thị số 15, TP. Bến Tre cũng đã sớm hình thành cửa hàng “0 đồng”. Những người nghèo hàng ngày phải mưu sinh bằng việc bán vé số cũng đã được hỗ trợ tiền mặt…
Thời điểm Ngày Chủ nhật trước khi giãn cách xã hội, nhìn cảnh người ta chen chúc nhau mua sắm tôi thực sự ái ngại. Nhưng đến nay, tôi mới thán phục cho giải pháp này, mà ban đầu tôi cho rằng hãy còn sớm và quá đột ngột. Thật ra chỉ cần chậm trễ thêm đôi ba ngày nữa thôi, tình hình chưa biết sẽ trôi đi về đâu. Bởi thói quen dùng tiền mặt trong người dân chúng ta còn quá lớn. Đây chính là môi trường thuận lợi nhất để vi-rút lây lan. Được biết, một số nhân viên ngành ngân hàng ở các tỉnh lân cận gần đây đã mắc phải là thêm một minh chứng. Thì cứ thử hình dung, chỉ cần có thêm một ít ca F0 trong cộng đồng tham gia vào cảnh “nháo nhào mua mua bán bán” như vậy mà xem… Biết đâu cái biến chủng Delta quái ác kia giờ nó đã chuyển sang tốc độ của… ánh sáng!
Đâu chỉ cộng đồng dân cư “ngược xuôi hối hả” chuyện ăn uống, các doanh nghiệp lại phải một phen tất bật. Bao nhiêu câu hỏi làm sao, phải làm sao… liên tiếp được đặt ra với lãnh đạo các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Bởi muốn duy trì được sản xuất trong hoàn cảnh này phải tuân thủ thực hiện “4 tại chỗ”. Phải vắt óc, bóp trán mà suy nghĩ để giải bài toán với quá nhiều tham số! Trong số hàng trăm, hàng ngàn công nhân, ai có đủ điều kiện tiếp tục, ai muốn làm ai không. Ca kíp bố trí lại thế nào khi biên chế nhân sự đã bị xáo trộn, rồi lương phạn sẽ tính sao đây cho kẻ làm người giãn cách ở nhà… Mọi việc cứ dồn dập kéo tới, mất ăn mất ngủ! Về vấn đề này, các công ty nằm trong các Khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp có phần thuận lợi hơn đôi chút so với bên ngoài.
Công nghiệp đã vậy, ngành sản xuất nông nghiệp nào có sung sướng gì hơn. Mới hôm nào của tháng năm tháng Sáu, mọi còn chung tay vào để tiêu thụ giúp khoai lang, vải thiều cho bạn bè. Đến khi giãn cách, giữa khung cảnh đìu hiu ảm đạm của thành phố trong cơn mưa sớm, đã nghe văng vẳng lời kêu cứu của trái nhãn Bình Đại, chỉ 15 ngàn một ký giao tới… tận miệng! Tôi đã cố tìm một từ gì đó để thay cho “giải cứu” mà vẫn chưa thấy! Thì thôi, bao giờ cũng vậy, trước những hiểm họa đến từ bên ngoài, hiệu quả nhất vẫn luôn luôn và trước hết chúng phải được khắc chế từ nội lực bên trong của mỗi chúng ta. Huống hồ gì ta đang trong tình thế “chống dịch như chống giặc”.
Dĩ nhiên, chúng ta không duy ý chí đến độ chống dịch chỉ bằng khẩu hiệu, như một số ít người dè bĩu. Nhưng trước đại cuộc, cần sự chung tay của mọi người thì yếu tố tinh thần không thể thiếu. Là tỉnh còn nhiều khó khăn của một đất nước đang phát triển, điều kiện chưa cho phép chúng ta chống dịch như các quốc gia giàu tiềm lực y tế. Chỉ mới vừa đây thôi, ngay nơi xuất hiện của biến chủng Delta mới, người ta còn quần tụ cùng lúc hàng chục ngàn người chỉ để coi một trận bóng đá ở châu Âu. Xin ai đó đừng so sánh! Chúng ta chưa thể tự chủ vắc-xin, còn thiếu, nhưng bằng văn hóa chúng ta có thể bù đắp được phần nào. Chính văn hóa chớ không gì có thể thay thế được nó vào lúc này. Bằng sự hy sinh một phần sự thoải mái và quyền lợi riêng tư để mỗi người trở thành một chiến sĩ cho cuộc chiến đang diễn ra. Truyền thống và bản lĩnh văn hóa của người Bến Tre chúng ta thật đáng quý. Mà trong một ngắn ngủi không thể nào thấu tỏ và nói hết cho được.
Điều đáng sợ nhất trong lúc này không phải là thiếu thốn từ bên ngoài, mà là sự không công bằng xuất phát từ bên trong. Mong sao hạn chế này, nếu có, nên sớm được chặn đứng. Vì xét cho đến nơi đến chốn đây chẳng khác gì sự phản bội! Có được như vậy thì giặc giã nào chúng ta lại không đánh thắng. Sau hơn một tuần giãn cách, theo tôi bước đầu tốt đẹp, dẫu biết phía trước vẫn còn đó không ít những vất vả chông gai.
Điều phấn khởi là trong những ngày đầu giãn cách xã hội, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã về thăm và làm việc tại tỉnh. Không chỉ là động viên tinh thần, hỗ trợ giúp sức cho địa phương, mà ông còn mang về Bến Tre một ý nghĩa to lớn hơn cho một đại cục. Đó là huy động tổng lực, để tỉnh nhà sớm trở thành “vùng xanh” an toàn và vững chắc, ngõ hầu tiếp sức cho bè bạn xung quanh. Đó cũng chính là mong ước lớn lao của người dân xứ Dừa, tất cả cùng đồng lòng chung sức, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bút ký của Từ Phạm Hồng Hiên