Gian nan đem sách “đi tìm” người đọc

13/04/2016 - 07:34

Chú Nguyễn Văn Sơn 70 tuổi đang đọc báo ở một góc thư viện. Chú cho biết, đọc báo sáng ở đây vừa yên tĩnh, thoáng mát và giúp chú thư giãn.

Trải qua 40 năm thành lập, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, thời đại bùng nổ thông tin đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến văn hóa đọc. “Bài toán” hút bạn đọc đã có “lời giải” nhưng do thiếu kinh phí nên việc thực hiện không như mong muốn. 

Hành trình 40 năm

Khoảng năm 1970, cùng với sự xuất hiện của các tủ sách tư nhân như tủ sách của các quan chức, giáo viên, tủ sách Nhà thờ Cái Mơn, Thư viện Trường Trung học Kiến Hòa, lúc này Thư viện tỉnh được thành lập với tên gọi Thư viện Trương Vĩnh Ký (nằm ở số 6, đường Cách Mạng Tháng Tám, địa điểm Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện nay). Sau ngày giải phóng năm 1975, khi tiếp thu lại, kho sách Thư viện Trương Vĩnh Ký hầu như không còn sách chất lượng. Đồng thời, thư viện chỉ phục vụ cho một số đối tượng nhất định, chưa hình thành mạng lưới thư viện ở các cấp.

Sau Hội nghị Văn hóa miền Nam năm 1976, Bộ Văn hóa đã biệt phái cán bộ vào miền Nam và kết nghĩa với Thư viện Vĩnh Phú, được thư viện này tặng 10 ngàn đầu sách. Cũng trong năm 1976, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu được thành lập với vốn đầu sách ban đầu 10,2 ngàn bản. Năm 1993, thư viện được xây mới tại địa điểm trên đường 30-4, Phường 4, trong khuôn viên rộng hơn 2.000m2 và mở cửa phục vụ cho đông đảo bạn đọc đến nay.

Trong quá trình phát triển, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đã không ngừng nâng cao chất lượng nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn. Hằng năm, đều có bổ sung sách mới. Ngày nay, kho sách của thư viện có trên 164,4 ngàn bản sách, 160 loại báo, tạp chí phục vụ cơ bản nhu cầu của người dân. Mạng lưới thư viện hiện khép kín với 1 thư viện tỉnh, 8 thư viện huyện và 1 thư viện TP. Bến Tre. Bên cạnh đó, thư viện còn phục vụ tốt bạn đọc với 6 phòng phục vụ, hỗ trợ tra tìm tài liệu bằng phương thức truyền thống lẫn tìm trên OPAC (tìm trên máy tính qua mục lục trực tuyến).

Hằng năm, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh phục vụ hơn 80 ngàn lượt bạn đọc. Toàn tỉnh hiện có 9 thư viện huyện, thành phố, phục vụ 70 ngàn lượt bạn đọc/năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số bạn đọc thưa dần; lượt bạn đọc đến Thư viện tỉnh hằng tháng giảm 3 lần so với trước đây.

Ngày càng… tụt hậu

Theo đánh giá của ngành Thư viện, trong điều kiện bùng nổ thông tin, ngành gặp không ít khó khăn trong việc đưa sách đến người đọc, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu không đủ không gian phục vụ, thư viện cấp huyện chỉ có Thư viện Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách được xây dựng độc lập, số còn lại chỉ là một phòng nhỏ nằm trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Tỷ lệ bản sách trên đầu người dân rất thấp, 0,19 bản/người dân, trong khi đó, mức bình quân cả nước là 0,35 bản/người dân. Việc sưu tầm, bổ sung các loại sách địa chí còn ít. Cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu thốn. Đa số thư viện chỉ có bàn đọc, kệ sách, hệ thống tra cứu thủ công… nên chưa thật sự trở thành điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của người dân. Những khó khăn trên chủ yếu do kinh phí hạn hẹp, từ đó chưa phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển của thư viện cả nước và khu vực.

Bác Lê Văn Thân, 73 tuổi, ngụ Phường 4, TP. Bến Tre là bạn đọc thân thiết của Thư viện Nguyễn Đình Chiểu trong hơn 10 năm qua. Bác Thân là người thích đọc sách từ nhỏ. Bác tâm tư: “Tôi thấy lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng ít đi. Riêng bản thân tôi vẫn trung thành với văn hóa đọc. Bởi đọc sách có nhiều cái hay mà ti-vi, internet không đáp ứng được, đó là đọc những loại sách khảo cứu. Tuy nhiên hiện nay, theo quy chế của thư viện, nhiều bạn đọc ở xa gặp khó khăn trong việc mượn - trả sách. Tôi cho rằng chủ trương đem sách đến cho người đọc rất hay, nhất là đối với người trẻ, giúp người trẻ học hỏi điều bổ ích từ sách, góp phần xây dựng văn hóa và giáo dục giới trẻ, từ đó giảm tỷ lệ người trẻ phạm tội”.

Một trong những vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đưa sách đi tìm người đọc, từng bước khôi phục văn hóa đọc trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ.

Hai năm qua đề án vẫn chưa “nhúc nhích”

Trong các nhiệm vụ mà Đề án phát triển ngành Thư viện tỉnh Bến Tre đến năm 2020 do UBND tỉnh ban hành năm 2014 nêu rõ mục tiêu: Xây dựng và đưa vào sử dụng công trình Thư viện tỉnh theo hướng có khuôn viên rộng, thoáng mát, kết hợp công viên cây xanh để thu hút mọi người đến đọc sách, thư giãn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thư viện cấp huyện, tạo thêm sản phẩm thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân địa phương… Tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5-4-2016 gởi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy việc khẩn thiết xin xem xét bổ sung Thư viện tỉnh vào triển khai giai đoạn 2016-2020. Đó là nhằm tạo điều kiện cơ sở vật chất hoạt động tốt cho thư viện là trung tâm thông tin của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng sách báo phục vụ bạn đọc. Về tiến độ Đề án phát triển ngành Thư viện tỉnh Bến Tre đến năm 2020 được phê duyệt phân kỳ thực hiện, nhưng hiện nay hết giai đoạn đầu 2014-2015 vẫn chưa triển khai thực hiện được do chưa được cấp kinh phí!

Ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cho rằng: “Trong tình hình bạn đọc tại chỗ ngày càng ít đi, do đó mình cần đem sách “đi tìm” bạn đọc. Công việc này khá gian nan, đòi hỏi cần có sự quan tâm của các ngành, trước là về kinh phí, thứ đến là nhân sự trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ. Trước mắt, trong khả năng hạn hẹp, thư viện xây dựng kế hoạch đi tuyên truyền về sách, đồng thời đưa ra nhiều hình thức thu hút bạn đọc như giải ô chữ nhận quà sau khi đọc sách… Bước đầu nhận được tín hiệu vui khi bạn đọc các xã ở xa như Thừa Đức rất thích thú và sôi nổi đón nhận hoạt động này”.

Hành trình đem sách “đi tìm” người đọc rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp để tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng dân cư, nhờ đó nâng cao trình độ dân trí và góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong tương lai.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN