Ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Giáo dục về cội nguồn của dân tộc

21/04/2021 - 06:26

BDK - Qua bao thế hệ, Bến Tre đã duy trì tốt việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hôm nay, ngày Mùng 10 tháng 3 năm Tân Sửu (ngày 21-4-2021), toàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức hoạt động lễ viếng, dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương tại các đình làng trên toàn tỉnh.

Diễu hành tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương xã Phú Thuận (Bình Đại).

Diễu hành tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương xã Phú Thuận (Bình Đại).

Thiêng liêng ý nghĩa cội nguồn

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng thiên tai và kẻ thù. Việc thờ cúng Hùng Vương đã thể hiện các giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam như: giáo dục đạo lý truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc, giá trị về văn hóa tâm linh và lịch sử.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta càng thêm tự hào về nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên, từ 80 vạn người thời Hùng Vương, gần 20 triệu người vào đầu thế kỷ XX. Đến nay, gần 100 triệu người, dù sinh sống ở trong và ngoài nước nhưng người Việt Nam vẫn luôn nuôi dưỡng và hình thành ý thức dân tộc, nghĩa đồng bào, gắn kết thành một khối, một nguồn cội và một tổ tiên. Các thế hệ người Việt Nam luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tỉnh ủy có kế hoạch tuyên truyền các ngày lễ lớn cho cả năm 2021. Đối với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, toàn tỉnh tập trung tuyên truyền truyền thống lịch sử thời đại Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng; giáo dục các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn của dân tộc, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các tiền nhân có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam được vun đắp, hình thành từ thời đại Hùng Vương, trong đó, có việc bảo tồn và phát huy các di sản, di tích thời đại Hùng Vương; cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Song song đó, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh tập thể, cá nhân có những công lao đóng góp đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Xứ Dừa hướng về Quốc tổ         

Hiện toàn tỉnh có hơn 200 đình thần, trong đó có 4 ngôi đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia, gồm: Bình Hòa (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm), Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), Tân Thạch (xã Tân Thạch), Tiên Thủy (xã Tiên Thủy), huyện Châu Thành. Đây là những ngôi đình được tạo dựng lâu đời nhất ở Bến Tre. Các đình toàn tỉnh nói chung hiện là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, trong đó có việc thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ngày Mùng 10 tháng 3 năm nay (21-4-2021), toàn tỉnh đồng loạt tổ chức các hoạt động hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương. Các huyện, thành phố chọn 1 đình làm điểm, các đình còn lại vẫn tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa Quốc Tổ.

Bà Lê Thị Thanh Huệ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Bến Tre cho biết, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021, cấp thành phố được tổ chức tại đình Phú Tự, xã Phú Hưng. Đối với các xã, phường có đình, gồm: phường An Hội, Phú Tân, Phú Khương, Phường 6, Sơn Đông, Phú Hưng, Bình Phú, Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh tổ chức tại đình của địa phương.

Hoạt động chính là phần lễ như: gióng trống chiêng và nghi thức nguyện hương, chào cờ Tổ quốc, diễn văn ôn lại truyền thống thời Hùng Vương và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đọc chúc văn, nghi thức dâng hương, dâng phẩm vật, hoa quả. Sau phần lễ, một số địa phương sẽ tổ chức các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi hướng về Quốc Tổ. Các địa phương đã tiến hành chuẩn bị trang trí cờ hoa, băng-rôn tuyên truyền tại các điểm tổ chức và trụ sở các cơ quan, trường học. UBND tỉnh đã có thông báo về việc treo cờ Tổ quốc hướng đến Giỗ Tổ Hùng Vương, bắt đầu từ 17 giờ ngày 20 đến hết ngày 21-4-2021.

Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với lòng thành kính, tri ân như câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng Mười tháng Ba”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN