Giao lưu văn hóa, gắn kết nghĩa tình

03/12/2019 - 12:57

BDK.VN - Trong đợt hoạt động “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre” vào những ngày cuối tháng 11-2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đoàn cán bộ, diễn viên, nghệ nhân Bến Tre đã có dịp tìm hiểu, giao lưu văn hóa (VH), gắn kết nghĩa tình với các đồng bào dân tộc sinh sống tại làng. Không chỉ có niềm vui, những tiếng cười mà hơn hết thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa xứ Dừa và bà con các dân tộc tại làng.

Đôi nét về Làng

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (làng) tọa lạc tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối đại lộ Thăng Long. Đây được xem là ngôi nhà chung của 54 dân tộc, cũng chính là ngôi nhà chung của 63 tỉnh, thành. Theo Quyết định số 201, ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, làng nêu trên nằm trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển phát triển khu du lịch quốc gia.

Làng có tổng diện tích 1.544ha, gồm 7 phân khu chức năng: khu quản lý điều hành văn phòng; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu trung tâm VH và vui chơi giải trí; khu công viên bến thuyền; khu cây xanh - mặt nước Đồng Mô; khu di sản VH thế giới và khu các làng dân tộc - đây được coi là linh hồn, là trái tim của dự án, điểm nhấn của làng.

Đoàn Bến Tre đến giao lưu văn hóa với Đồng bào dân tộc Thái

Đoàn Bến Tre đến giao lưu văn hóa với Đồng bào dân tộc Thái

Thông qua các hoạt động tại làng, làng đã và đang bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị VH truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Với hình thức xây dựng 54 không gian VH và mỗi một không gian VH là nơi tái hiện đời sống, giới thiệu về VH, phong tục tập quán… của các đồng bào dân tộc do chính các đồng bào dân tộc giới thiệu.

Khu làng các dân tộc có tổng diện tích là 205ha, được chia thành 4 cụm làng theo những nhóm và hệ ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, cụm làng 1 là không gian VH của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung bộ, hiện có các dân tộc: Tày, Dao, H.Mông, Thái, Mường, Khơ Mú… đang sinh sống hàng ngày. Đến đây, khách được nghe làn điệu hát Then mượt mà, hòa cùng điệu múa xòe của cô gái Thái, hay tiếng khèn gọi mời tình yêu của chàng trai dân tộc H.Mông. Cụm làng 2 là không gian VH của 18 dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên với những mái nhà Rông cao vút, hay những ngôi nhà dài của chế độ mẫu hệ; khách tham quan sẽ có trải nghiệm thú vị khi hòa chung vào nhịp cồng chiêng và điệu múa xoang rộn ràng của các dân tộc nơi đây. Hiện có các dân tộc: Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê… đang sinh sống.

Còn với những ai yêu thích kiến trúc, mỹ thuật… có thể đến tham quan tại không gian VH của cụm làng 3, không gian hội tụ của 4 dân tộc: Chăm, Khmer, Chu Ru và Chơ Ro. Tại đây, khu làng tái hiện 2 công trình tâm linh đặc sắc là quần thể chùa Khmer và tháp Chăm, cùng những nét VH của hai dân tộc còn lại. Riêng cụm làng 4 hiện đang được tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện, là không gian VH của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu.

Ngoài việc luôn sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan, tìm hiểu VH, tham gia trải nghiệm sinh hoạt VH cùng các đồng bào dân tộc sinh sống tại dây. Hàng năm, làng có tổ chức một số sự kiện lớn mang tính tập trung với nhiều hoạt động sôi nổi. Cụ thể như: hoạt động “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày VH các dân tộc Việt Nam”, “Tuần đại đoàn kết - di sản VH Việt Nam”…

Cũng nói thêm, hoạt động “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với làng tổ chức vừa qua, giới thiệu về sản phẩm dừa, di sản VH Bến Tre là hưởng ứng hoạt động “Tuần đại đoàn kết - di sản VH Việt Nam” tại làng.

Đặc sắc văn hóa quê hương

Trong thời gian lưu trú tại làng để tổ chức hoạt động “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre”, ban ngày, cán bộ, diễn viên, nghệ nhân của đoàn Bến Tre túc trực tại không gian trưng bày, triển lãm, thực hành nghề truyền thống… buổi tối tạm dừng các hoạt động này (do đã hết khách tham quan) và cùng tổ chức đi đến các không gian VH của các đồng bào dân tộc để tổ cùng giao lưu VH, trò chuyện kết nối nghĩa tình.

Về với “ngôi nhà chung” mang tên Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đoàn Bến Tre đã có cơ hội khám phá và hiểu thêm về kho tàng VH phong phú, đặc sắc của các dân tộc. Trong không khí se se lạnh của tiết trời phương Bắc, giữa cảnh sắc hữu tình mang dáng vẻ của “núi rừng” với sự thoáng rộng, nhiều cây xanh và triền dốc, đặc biệt là tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc với khách phương xa như xứ Dừa Bến Tre càng làm cho mọi người gần nhau hơn, hòa quyện những tình cảm thương mến và để lại cho nhau những kỷ niệm đẹp trong các hoạt động giao lưu VH.

Trong số đó, chúng tôi còn nhớ một buổi tối đoàn Bến Tre đã đến giao lưu tại Không gian VH của dân tộc Raglai. Khi đoàn đến, cả nhà anh Pinăng Ngấp đã ra đón chào và vui mừng khi biết đoàn Bến Tre đến giao lưu. Trên mảnh sân nhỏ trước nhà anh chị, đoàn Bến Tre đã giới thiệu và trình diễn Hát sắc bùa Phú Lễ - Di sản VH phi vật thể cấp quốc gia, mọi người đã cùng vỗ tay theo trong không khí thật sôi nổi. Bé Pinăng Thị Nhuận (14 tuổi) - con gái anh chị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được nghe và biết đến Hát sắc bùa Phú Lễ Bến Tre, em thấy thật hay và thật vui tai, lại có các nhạc cụ đi kèm nên rất hấp dẫn”.

Đoàn Bến Tre đến giao lưu văn hóa với Đồng bào dân tộc Raglai

Đoàn Bến Tre đến giao lưu văn hóa với Đồng bào dân tộc Raglai

Đáp lại tình cảm của Bến Tre, anh Pinăng Ngấp và chị Pinăng Thị Hiếm đã thổi kèn tre và hát một khúc nhạc ru con theo điệu hát của dân tộc Raglai, nhẹ nhàng, đong đầy tìm cảm, chị cũng đã đánh đàn trên bộ đàn đá mộc mạc của gia đình chị. Âm thanh của tiếng đàn đá khi chị gõ từng nhịp vào vang lên mang âm hưởng vui tươi, chứa đựng sự yên bình, tươi sáng và một nhịp sống rộn ràng với những điều bình dị. Chị cho biết, nội dung của bản đàn là nói về tình cảm gia đình, tình mẹ con, niềm vui nương rẫy… Cuối buổi giao lưu, đoàn Bến Tre và các bé con anh chị cùng tham gia vui nhảy sạp theo tiếng nhạc mang không khí sôi nổi, gần gũi, gắn kết mọi người với nhau.

Ghé qua Không gian VH của dân tộc Khmer, chúng tôi được giao lưu với các bạn trẻ dân tộc Khmer. Các bạn là những diễn viên múa chuyên nghiệp các điệu múa dân tộc Khmer đến từ tỉnh Sóc Trăng, là lực lượng được tăng cường của Làng trong thời gian vài tháng để phục vụ cho các hoạt động giao lưu, giới thiệu VH của dân tộc mình. Các bạn đã nhiệt tình cùng hướng dẫn đoàn Bến Tre múa các điệu múa dù kê, một vài động tác cơ bản trong múa tay và chân của các điệu mùa này. Đoàn Bến Tre cũng đã hát tặng các bạn một bài ca cổ về quê hương Bến Tre. “Chúng em cảm thấy rất vui khi được giao lưu cùng các anh chị của đoàn Bến Tre. Qua lời giới thiệu của các anh chị, chúng em hiểu thêm một số nét VH Bến Tre” - bạn Vĩnh Phương (dân tộc Khmer) chia sẻ.

Qua các cuộc giao lưu, giới thiệu tại làng, chúng tôi cũng đã có dịp tìm hiểu khá nhiều về phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc; thưởng thức và trải nghiệm sự phong phú của loại hình dân ca như: hát then, múa khèn, chơi đàn Chapi, múa chu chai… Xem, trải nghiệm một trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, đi cầu khỉ… Tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực dân tộc như: thổi sôi ngũ sắc, cơm lam, rang giã cà phê, tìm hiểu rau rừng, thịt gác bếp, rượu ngô…

Trong đó, dệt thổ cẩm được xem là nét VH khá phổ biến của nhiều dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái. Anh Sơn - Giám đốc Làng giới thiệu, phụ nữ dân tộc Thái rất khéo tay trong việc thêu và dệt thổ cẩm, trở thành nét đẹp VH truyền thống của đồng bào nơi đây và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đồng bào Thái có hai kiểu dệt: dệt thô và dệt hoa văn. Những hoa văn ấy, bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của đồng bào nên mỗi tấm dệt là một bức tranh sống động phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, được hình thành bằng trí nhớ và sự sáng tạo, tưởng tượng của người dệt.

Có thể nói, mỗi một dân tộc là một sắc thái VH, phong phú, đa dạng đầy màu sắc, nhưng tất cả đều tựu chung một điểm là hướng tâm hồn con người đến những điều tốt đẹp, tin tưởng vào cuộc sống đổi mới, đủ đầy và vui tươi. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết bất diệt của 54 dân tộc anh em, của 63 tỉnh, thành trên mảnh đất hình chữ S tên gọi Việt Nam thân thương. Kho tàng VH các dân tộc Việt Nam luôn là những điều thú vị thu hút du khách tham quan, tìm hiểu.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN