Cô Dư Thị Thanh Thúy (bên phải) chẻ dừa nước bán kiếm thêm thu nhập.
Cô Dư Thị Thanh Thúy, chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Sơn Ca, có 3 năm gắn bó với môi trường mầm non, đã 2 tháng qua cô cũng như nhiều đồng nghiệp tạm ngưng việc chăm trẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cô Thúy quê ở xã Lương Hòa, từ khi ở nhà, cô có nhiều thời gian rảnh rỗi chăm sóc cho gia đình mình nhưng thu nhập bị ảnh hưởng không nhỏ. Số tiền hơn 3 triệu đồng hàng tháng được nhận không còn nữa. Để bù vào đó, 2 tháng nay, cô làm thêm nghề chẻ trái dừa nước bán online và bà con gần nhà. Mỗi tuần cô bán được từ 5 - 7kg dừa nước, giá 60 ngàn đồng/kg, trừ hết các chi phí, cô còn lời 300 ngàn đồng.
Cô Thúy kể, mỗi sáng thức dậy dọn dẹp nhà cửa xong, cô cùng cha mẹ đi kiếm dừa nước đốn mang về chẻ trái lấy phần cơm dừa. Phần lớn sản phẩm cô bán online cho khách ở TP. Bến Tre và các xã lân cận. Với cô Thúy, làm nghề thời vụ trong lúc dịch bệnh khó khăn nhưng cho cô nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Mặc dù tất bật với công việc mới nhưng cô luôn nhớ về trường và các cháu nhỏ nên cô thường dành thời gian rảnh điện thoại cho phụ huynh thăm hỏi tình hình các cháu khi ở nhà.
Cô Thúy chia sẻ: “Từ đầu tháng 2 đến ngày 10-2-2020, tôi được nhà trường hỗ trợ 30% lương; trong tháng 3 được hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà trường hỗ trợ đóng quý I-2020; tháng 4, nhà trường không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội nữa, bản thân tôi không có tiền lương nên không có khoản nào để đóng”.
Cô Huỳnh Thị Phương Lan chiên bánh quai vạt bán cho khách.
Cô Huỳnh Thị Phương Lan - giáo viên cấp dưỡng Trường Mầm non Sơn Ca cũng đồng cảnh ngộ. Gần 2 tháng nay, cô Lan học nghề làm bánh quai vạt từ mẹ chồng. Sáng sớm cô làm bột, đi chợ mua nguyên liệu về sơ chế. Đến khoảng 12 giờ trưa cô bắt đầu chiên bánh, sau đó mang ra trước nhà bán và bán online. Mỗi ngày cô làm được 60 - 70 chiếc bánh (bánh thập cẩm và bánh mặn không thịt), mỗi chiếc giá 5.000 đồng, trừ các chi phí, cô còn lời từ 50 - 70 ngàn đồng.
Hiện nay, huyện Giồng Trôm có 4 nhóm trẻ và trường mầm non tư thục, đời sống của phần lớn giáo viên gặp nhiều khó khăn. Theo cô Nguyễn Thị Bé Thi - Chủ trường Mầm non Sơn Ca: Từ tháng 2 đến 3-2020, nhà trường chi hỗ trợ cho 16 giáo viên, nhân viên (50 ngàn đồng/người/ngày) và đóng bảo hiểm xã hội 100%. Đến tháng 4, các khoản hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên dừng lại vì trường không còn khả năng chi (do ngừng tiếp nhận học sinh). Trường thành lập từ năm 2016, khoản tiền dự phòng không đủ để hỗ trợ giáo viên, nhân viên. Những tháng tiếp theo, nếu trường tiếp tục vắng học sinh thì đời sống các giáo viên sẽ càng khó khăn hơn.
Bài, ảnh: Anh Đào