Giỗ hội “cảm tử quân” Đại Điền, Tân Phong

02/03/2015 - 07:26
Nhiều cán bộ cách mạng lão thành, đại biểu tỉnh, huyện, xã và đông đảo nhân dân dự kỷ niệm 55 năm ấp Phong (xã Tân Phong) Đồng khởi và tưởng niệm 11 nghĩa binh nông dân anh dũng hy sinh.

Hàng năm, sau những ngày vui Xuân, đón Tết, Đảng bộ và nhân dân các xã Đại Điền, Tân Phong (huyện Thạnh Phú), đại biểu các xã lân cận và những người con xa xứ trở về quê hương tổ chức giỗ hội truyền thống tưởng nhớ 8 cảm tử quân hy sinh tại ngã tư Giồng Luông (Đại Điền) vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1946 và 11 nghĩa binh nông dân đền nợ nước ở ấp Phong (Tân Phong) vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1960.

Cảm phục trước sự hy sinh dũng cảm của những nghĩa binh nông dân Đồng khởi ở ấp Phong, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và Đại tá Nguyễn Cang khi còn đương nhiệm lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh Bến Tre đã vận động tài trợ, xây dựng văn bia tưởng niệm tại trận địa năm xưa.

Bước vào khuôn viên của văn bia tưởng niệm, những người đến viếng đều nhìn thấy dòng chữ khắc trên đá hoa cương: “Tại đây, ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch năm 1960 đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa lực lượng du kích với một đại đội bảo an và tổng đoàn dân vệ của địch. Trận đánh cảm tử do Bí thư chi bộ xã Đại Điền Lê Văn Cương chỉ huy”. Do chia tách xã, di tích trận địa năm xưa nằm trên ấp Phong thuộc xã Tân Phong.

Văn bia tưởng niệm vươn cao, danh sách 11 liệt sĩ được trân trọng khắc vào đá hoa cương. Tên họ đầu tiên là Bí thư chi bộ Đại Điền, còn lại là nông dân trai tráng yêu nước: Nguyễn Văn Gấm, Phạm Văn Tồn, Trương Văn Tôn, Nguyễn Thanh Đạt, Đỗ Văn Hoảnh, Nguyễn Văn Vinh, Huỳnh Văn Vui, Võ Văn Xinh, Võ Văn Vĩ và Lê Văn Tiếu.

Những chiến sĩ của đội cảm tử hy sinh ở ngã tư Giồng Luông từ những ngày đầu chống Pháp và 11 nghĩa binh gốc nông dân với vũ khí chỉ có gậy gộc, dao phay, mác vót đã đối đầu với Đại đội bảo an quận Thạnh Phú và Tổng đoàn dân vệ được trang bị đầy đủ súng bén thời chống Mỹ. Các đội viên cảm tử ngã xuống tại Giồng Luông năm 1946 và những nghĩa binh chiến đấu quyết tử, anh dũng hy sinh trong phong trào Đồng khởi ở ấp Phong vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1960 quá xứng đáng với câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “Tinh thần hai chữ phau sương tuyết. Khí phách ngàn thu rỡ núi non”.

Ông Tôn Văn Ba (Ba Nông - 92 tuổi) và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị (86 tuổi) cùng đoàn người đông đảo dự giỗ hội đến tận nơi trận địa năm xưa đã xúc động khi nhìn thấy cây khế thuộc diện “cổ lai hy” vẫn còn tồn tại tươi tốt như một nhân chứng lịch sử 55 năm qua.

Đội cảm tử quân chiến đấu dũng cảm, hy sinh ở ngã tư Giồng Luông mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đại Điền và 11 nghĩa binh nông dân xông trận bằng dao phay tại trận địa ấp Phong, mở màn Đồng khởi thời kỳ chống Mỹ ở Tân Phong. Từ hai sự kiện lịch sử đó, các thế hệ người dân của Đại Điền, Tân Phong đã vượt lên chính mình, chiến đấu trên địa bàn xã nhà, cũng như đóng góp công sức, máu xương không nhỏ vào thắng lợi chung của quê hương, đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là niềm tự hào to lớn cần được truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau để tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Bài, ảnh: Hoàng An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN