Diễn văn nghệ lễ hội giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 tại đình Phú Thuận (Bình Đại).
Chuẩn bị chu đáo
Những ngày này, các đình làng trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương - một trong những kỳ lễ trọng đại nhất trong năm của đình làng. Mặc dù việc hương đăng quét dọn được những người quản lý đình thực hiện mỗi ngày nhưng đối với ngày lễ này thì càng được chỉnh chu, trang hoàng tươm tất hơn.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Lư Hội - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Bến Tre, tín ngưỡng thờ cúng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với lòng thành kính, tri ân như câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”.
Nói công dựng nước to lớn là vì các vua Hùng đã xây dựng nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, nhà nước Việt Nam đầu tiên đã được hình thành, là cái gốc của dân tộc Việt Nam. Đây là nền móng của lịch sử dân tộc, một nền nông nghiệp lúa nước đem lại cuộc sống ấm no, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước. Trong bài chúc văn Giỗ tổ Hùng Vương được phổ biến rộng rãi tại các kỳ lễ Giỗ tổ đã nêu lên ý nghĩa ấy: “… Thời đại Hùng Vương mở đường dựng nên Tổ quốc/ Mười lăm bộ lạc chung lưng/ Nước Văn Lang thống nhất/ Hùng cứ một phương/ Trên Vua Hùng, giữa Lạc Hầu, Lạc Tướng/ Dưới Lạc dân/ Chung sức chung lòng dựng xây đất nước/ Cây có cội/ Nước có nguồn/ Người có tổ có tông/ Vua Hùng - Tổ tông dân tộc Việt/ Mãi ngàn sau vẫn khắc cốt ghi tâm…”.
Vì thế, việc tôn thờ công đức các vua Hùng đã được trao truyền qua các thế hệ. Lịch sử đã ghi lại lời vàng của Bác trong một lần ghé thăm Đền Hùng, Người đã nói với cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong rằng: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tự hào về các vua Hùng là tự hào về tinh thần đoàn kết và sức mạnh của dân tộc. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những hoạt động để hướng về nguồn cội, trân trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp, xây dựng quê hương đổi mới, xứng đáng với công lao to lớn của tiền nhân.
Kết nối tình đoàn kết
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành chuẩn bị trang trí cờ hoa, băng-rôn tuyên truyền tại các điểm tổ chức và trụ sở các cơ quan, trường học.
UBND tỉnh có thông báo về việc treo cờ Tổ quốc hướng đến giỗ tổ Hùng Vương từ 17 giờ ngày 13 đến hết ngày 14-4-2019.
|
Hướng đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động tuyên truyền, trang trí, văn hóa, thể thao được tổ chức trong tỉnh.
Ông Bùi Hữu Phúc - Trưởng ban Quản lý đình An Hội, Phường 2, TP. Bến Tre cho biết, năm nay, đình được chọn làm điểm cấp thành phố và cấp tỉnh nên việc tổ chức quy mô hơn mọi năm. Với 6 xã, phường không có đình sẽ cùng hội tụ về đây để tham dự lễ. Các xã, phường còn lại sẽ tổ chức lễ tại đình địa phương. Ngoài phần dâng phẩm vật với bánh chưng, bánh dày và các loại bánh dân gian, dâng hương tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, ôn lại truyền thống thời Hùng Vương và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, còn có phần hội với các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức sau phần lễ. Riêng Ban Khánh tiết đình sẽ có các nghi thức lễ cúng theo thông lệ và lễ tế liệt sĩ - Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức Hát bội Xây Chầu.
Ban Quản lý di tích tỉnh sẽ tổ chức trưng bày bộ ảnh chủ đề lễ hội Hùng Vương (với gần 100 ảnh) tại đình Châu Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Trong đó, có các hình ảnh lễ hội Đền Hùng của nhiều thập niên trước, hình ảnh các đình làng Bến Tre… Đội chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tại đình Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre biểu diễn phục vụ nhân dân tại đình Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre và một số điểm ở các huyện. Các huyện đều chọn một đình làm điểm cấp huyện để tổ chức lễ hội phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và tạo không khí sôi nổi dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Riêng UBND huyện Mỏ Cày Nam sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Hội Yên tại thị trấn Mỏ Cày kết hợp lễ giỗ tổ Hùng Vương tại đình.
Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối tình đoàn kết yêu thương của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người chung một cội nguồn.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt