
Bìa sách Truyền thuyết Cù lao Đồng Nhất. Ảnh: STKNBT
Về Bến Tre dạy học ở Trường Chính trị tỉnh từ năm 2004, GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Cố vấn nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre đã đau đáu một nỗi niềm “Làm sao cắt nghĩa được cội nguồn của vùng đất - nước xứ cù lao, con người và dòng sông xứ Dừa?” mà ông đã bén duyên lành. 13 năm dồn tâm sức đi - đến, nghĩ suy và khảo cứu, ông không chỉ có công đầu phác thảo, đúc kết xây dựng ý tưởng mà về sau trở thành đề án đã và đang được triển khai “Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển Bến Tre” - tạo điểm nhấn cho một di tích lịch sử Quốc gia duy nhất nằm ở thế sát biển, cuối nguồn sông Mekong…
Sau Hội thảo Du lịch biển Thạnh Phú, Bến Tre (tháng 9-2016) - với gần 1 năm đi lại TP. Hồ Chí Minh - Bến Tre để thực hiện nhiệm vụ một chuyên gia tư vấn chính, một trong 3 người chủ trì hội thảo này… GS.TS Vũ Gia Hiền đã hiểu hơn ai hết nỗi đau, niềm khó của người dân xứ Dừa khi mùa nước mặn đến, càng hiểu hơn câu chuyện về sự phát triển của cuộc sống đương đại phải đặt trên nền tảng của văn hóa đọc. Ông dành nhiều sự bận tâm đến nỗi lo ngày nay bạn đọc ít quan tâm đến việc đọc sách… Ông đã chắt chiu sau một năm dành trọn tâm huyết tìm về cội nguồn xứ dừa và cho ra đời “Truyền thuyết Cù lao Đồng nhất”, Nhà xuất bản Văn học, tháng 3-2017 - một ấn phẩm “bỏ túi” (khổ sách 10 x 14,5cm) dễ thương, tiện dụng trong cuộc sống.
Theo Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học - Quan hệ Quốc tế, Trường Cao đẳng Bến Tre Phạm Văn Luân, một trong 3 người được tác giả trao đổi tư liệu khi viết Truyền thuyết Cù lao Đồng nhất: “GS.TS Vũ Gia Hiền viết cuốn sách nhỏ này ngoài câu chuyện truyền thuyết được đề cập hội tụ cao nhất ở nội dung khẳng định “Bến Tre là quê hương Đồng khởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Điều đó thể hiện giá trị văn hóa lâu đời ở vùng đất này có từ xa xưa Đồng nhất đến Đồng khởi ngày nay” [3]. Về hình thức, dung lượng, cuốn sách còn thể hiện một cách tiếp cận mới, đưa bạn đọc không chỉ Bến Tre mà ở khắp mọi nơi quay lại với sách, xây dựng văn hóa đọc sách từ những cuốn sách nhỏ nhất, từ câu chuyện nhân văn bình dị nhất để tạo nên nền tảng bền vững cho cuộc sống hôm nay.
Đây là một tác phẩm xứng đáng được giới thiệu với bạn đọc nhân Ngày Sách Thế giới năm nay. Đồng thời, cũng là một cách tiếp cận mới để hưởng ứng Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V mà toàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị. Với tâm niệm là nét văn hóa đặc trưng riêng của người Bến Tre, Truyền thuyết Cù lao Đồng nhất còn là một thông điệp hướng đến xác lập biểu tượng của văn hóa dừa Bến Tre được tiếp biến theo nguyên tắc tiếp cận “Sáng tạo truyền thống” [2]. Có lẽ chính vì vậy mà gần 4.000 cuốn Truyền thuyết Cù lao Đồng nhất - quà tặng của GS.TS Vũ Gia Hiền đầu năm 2019 đã được gửi đến các cơ quan, trường học, bạn đọc trong toàn tỉnh Bến Tre thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre [1].

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, GS.TS Vũ Gia Hiền (thứ 2, 3 từ trái) trong một cuộc làm việc tại văn phòng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch. Ảnh: Lê Hội
Khôi Nguyên
[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, Công văn số 1481-CV/BTGTU ngày 10-1-2019 “V/v phát hành sách Truyền thuyết Cù lao Đồng nhất”.
[2] Eric Hobsbawm, Sáng tạo từ truyền thống, Nguyễn Hoàng Nhị Hà dịch, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn hiệu đính, (2012), Tạp chí Văn hóa học (Số 1).Trang 85 – 94.