Giồng Trôm: Giáo dục truyền thống cách mạng từ những “địa chỉ đỏ”

16/09/2024 - 05:22

BDK - Huyện Giồng Trôm là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử trong 2 thời kỳ kháng chiến, là nơi sản sinh nhiều vị tướng lĩnh danh tiếng như: Trung tướng Đồng Văn Cống, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Lê Văn Dũng, Trung tướng Võ Viết Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, Thiếu tướng Trần Minh Tích, Thiếu tướng Trần Văn Nhiên, Thiếu tướng Võ Khắc Sương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ngay, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, Thiếu tướng Vũ Thành Đức... Đặc biệt, với 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và 9 di tích lịch sử cấp tỉnh là những “bảo tàng sống”, “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan, về nguồn hấp dẫn của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân.

Nhiều đoàn đại biểu đến viếng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Hà Vy

Hành trình về “Địa chỉ đỏ”

Đến những “địa chỉ đỏ” - di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Giồng Trôm, cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ tham quan, trải nghiệm mà còn là nơi để mỗi người thành tâm tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước như: Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa); Di tích đình Bình Hòa; Di tích Mộ và Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (xã Mỹ Thạnh); Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác - Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956 (xã Hưng Lễ); Đền thờ Lê Quang Quan (Tán Kế) - xã Châu Hòa; Đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị (xã Thạnh Phú Đông); Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (xã Tân Hào); Sự kiện chiến thắng Gò Tranh (xã Tân Lợi Thạnh)… Cũng chính vì thế mà hoạt động về nguồn mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Giồng Trôm luôn quan tâm tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm lại các di tích lịch sử trong và ngoài huyện. Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Văn Nguyền chia sẻ: “Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8), Ban Tuyên giáo Huyện ủy Giồng Trôm tổ chức các hoạt động giao lưu với Ban Tuyên giáo các huyện Thạnh Phú và TP. Bến Tre, gắn với đó là hoạt động về nguồn tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, huyện”.

Một trong những “địa chỉ đỏ” mà Ban Tuyên giáo Huyện ủy đến thăm là Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Di tích đình Bình Hòa; Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác - Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn; Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống... Trở về nguồn, mỗi cán bộ, đảng viên và thế hệ hôm nay không chỉ tự hào về truyền thống của ngành mình, mà rất đỗi tự hào về tinh thần chiến đấu kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ của cán bộ lãnh đạo, đồng chí, đồng bào trong chiến tranh.

Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa được khởi công xây dựng vào cuối năm 2000, đưa vào phục vụ vào cuối năm 2003, với diện tích rộng gần 15.000m2. Trong khu lưu niệm có xây dựng Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định và phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, liên tục của Nữ tướng đã gắn bó với những chặng đường đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta. Hàng năm, vào ngày 28-7 âm lịch là ngày giỗ của Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Nằm trong hệ thống Di tích văn hóa - lịch sử, Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa, được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận Di tích cấp Quốc gia vào ngày 7-1-1993. Đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh, là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo. Những tài liệu còn lưu giữ ngôi đình tồn tại đến nay gần 200 năm. Đình được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (1852). Đình Bình Hòa còn là chứng tích ghi nhớ những tội ác của đội quân UMDC của Léon Leroy (thời kháng Pháp) và đặc biệt bọn “công an Ngô Quyền” trong những chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng” đẫm máu dưới thời Ngô Đình Diệm.

Huyện Giồng Trôm còn có Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác ở xã Hưng Lễ. Đây là nơi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã ở và làm việc từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956, để chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam và tổng hợp tình hình, dự thảo Đề cương Cách mạng miền Nam. Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Di tích cấp Quốc gia vào ngày 7-5-1997.

Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống tại xã Tân Hào, Trung tướng Đồng Văn Cống là “vị tướng bưng biền”, một người con ưu tú của quê hương Đồng khởi, ông được xem là người anh cả của lực lượng vũ trang tỉnh. Thời chống Mỹ, ông là Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh Khu 8, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục

Xác định nhiệm vụ giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn luôn chú trọng việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh, thiếu nhi về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn công lao to lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã thực hiện, chỉ đạo thực hiện tổ chức hàng trăm buổi tọa đàm nói chuyện truyền thống, tọa đàm theo chuyên đề, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Quân đội nhân dân Việt Nam, gặp mặt nhân chứng lịch sử trong kháng chiến với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhân các ngày lễ lớn của đất nước như: Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7); tổ chức các hoạt động, thăm, tặng quà, hỗ trợ cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về thăm “địa chỉ đỏ”, các hoạt động về nguồn... Đây chính là hình thức giáo dục truyền thống trực quan sinh động nhất giúp đoàn viên, thanh niên chủ động tìm hiểu và trải nghiệm từ thực tế sinh động, làm giàu thêm vốn hiểu biết, giúp nâng cao ý thức để sống đẹp hơn, tốt hơn và sống có ý nghĩa hơn.

Bí thư Huyện đoàn Lê Thị Phi Yến cho biết: “Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, Huyện đoàn đã góp phần giáo dục, động viên thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, khơi dậy, phát huy lòng tự hào dân tộc, kích thích bầu nhiệt huyết, tính năng động sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, động viên tuổi trẻ thi đua lao động, học tập, xung kích đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, làm nền tảng phấn đấu xây dựng huyện Giồng Trôm đạt huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2025 - 2030”.

“Nhiều cơ quan, đơn vị không chỉ tổ chức về nguồn nhân các dịp lễ, Tết mà còn lồng ghép về nguồn với tổ chức sinh hoạt chi bộ và kết nạp đảng viên, đoàn viên… rất ý nghĩa, giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân ôn lại và nắm vững kiến thức lịch sử dân tộc, đấu tranh phản bác trước những luận điệu xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội”.

(Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Giồng Trôm Lê Thanh Tòng)

Hà Vy - Minh Tâm

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN