Giồng Trôm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,89%/năm

19/08/2020 - 07:09

BDK - Với sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể huyện Giồng Trôm đã phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về giảm nghèo, huyện Giồng Trôm đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2,89%, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Mô hình chăn nuôi giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Mô hình chăn nuôi giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Nhiều chương trình, dự án

Triển khai, thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp trên địa bàn huyện được củng cố, bổ sung đầy đủ các thành phần, đảm bảo công tác phối nhịp nhàng với sự tham gia của các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở. UBND huyện kịp thời xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, nhiều cơ chế, chính sách, hướng dẫn bố trí nguồn vốn đảm bảo công tác giảm nghèo được thực hiện đúng, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Trong điều hành, chỉ đạo có sự phân công rõ trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc của từng cấp, từng ngành, từng đoàn thể và trên cơ sở theo nguyện vọng của người nghèo, với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” trong xây dựng các mô hình giảm nghèo.

Năm 2016, toàn huyện có 8.932 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 17,25%; hộ nghèo, hộ cận nghèo các xã bãi ngang có 908 hộ, chiếm tỷ lệ 21%. Bằng nhiều nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn được trên bố trí kịp thời, từ các nguồn xã hội hóa, huyện đã triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo thông qua các dự án, tiểu dự án, các chương trình giảm nghèo như Chương trình 30a, Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ hạ tầng cho các xã khó khăn, Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, Tiểu dự án 4 - Hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, dự án 4 - Truyền thông về giảm nghèo và cùng các hoạt động nâng cao năng lực, công tác kiểm tra, giám sát…

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ việc làm có 485 hộ vay với 11 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với dư nợ cho vay 15 tỷ đồng, hiện có 283 lao động đang việc ở nước ngoài. Ngoài ra, còn giải ngân cho 8.593 hộ nghèo vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ cho vay 87 tỷ đồng để xây dựng 4.500 công trình nước sạch và hố xí hợp vệ sinh. 266 hộ vay sản xuất, kinh doanh tại 2 xã vùng khó khăn với số tiền 8 tỷ đồng.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

Giai đoạn 2016 - 2020 , có 15 mô hình giảm nghèo được tỉnh đầu tư, các dự án hỗ trợ cho 154 hộ. Đến nay, có 64 hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo bền vững… Từ những kết quả trên, đã giúp huyện kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,25% xuống còn 5,67% (còn 3.062 hộ, giảm 5.870 hộ, tỷ lệ 11,58%). Bình quân giảm 2,89%/năm (vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra mỗi năm giảm 1,5 - 2%). Kết quả giảm nghèo tại 2 xã bãi ngang, năm 2016 hộ nghèo 908 hộ, tỷ lệ 21%, đến cuối năm 2019 hộ nghèo còn 326 hộ, tỷ lệ 7,19% (giảm 582 hộ, tỷ lệ 13,81%).

Với kết quả đạt được, huyện đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, cần tập trung đột phá như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án, các hoạt động thuộc chương trình giảm nghèo theo đề án đã được phê duyệt.

Huyện đã xây dựng nhà tình thương cho 740 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ lãi suất vay cho 3.470 hộ nghèo, hơn 1.000 hộ cận nghèo và 1.175 hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng, ngành nghề, buôn bán nhỏ… với tổng số tiền cho vay hơn 157 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN