Giồng Trôm thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025

10/05/2021 - 06:37

BDK - UBND huyện Giồng Trôm đã ban hành Kế hoạch số 4291 về thực hiện chuyển đổi số (CĐS) huyện giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để ứng dụng các công nghệ và mô hình mới, phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Tập huấn hướng dẫn phần mềm thu, dựng chương trình phát thanh cho đài xã, thị trấn. Ảnh: Diệu Hiền

Tập huấn hướng dẫn phần mềm thu, dựng chương trình phát thanh cho đài xã, thị trấn. Ảnh: Diệu Hiền

Tổ chức thực hiện

Đến cuối năm 2020, tại huyện, tỷ lệ gửi nhận văn bản thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đạt 90%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến VNPT-iGate gần 30%. Hạ tầng mạng băng rộng di động và cố định (cáp quang) phủ 40% hộ gia đình, 70% xã, thị trấn. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử khoảng 20%.

Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Trung cho biết: Hiện tại, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 02 của Huyện ủy, Kế hoạch số 4291 của UBND huyện đến lãnh đạo và cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang; Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, Tổ quản trị Cổng thành phần thông tin điện tử, Tổ một cửa UBND huyện, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn huyện và đảng ủy, UBND, ban, ngành, đoàn thể, công chức văn hóa, xã hội. Triển khai đến văn thư; một cửa xã, thị trấn, các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho lãnh đạo UBND cấp xã. Khảo sát nhu cầu trang thiết bị ứng dụng CNTT tại UBND các xã, thị trấn và cho chủ trương mua sắm mới trang thiết bị để phục vụ bước đầu về CĐS của huyện, với kinh phí gần 400 triệu đồng.

Hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã ứng dụng CĐS trên nhiều mặt quản lý ở các cấp học. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Thị Ngọc Trinh cho biết: Phòng GD&ĐT xác định ngành là đơn vị tiên phong cùng với ngành y tế trong thực hiện CĐS. Cụ thể, số hóa dữ liệu về giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, trường học... trên hệ thống dữ liệu ngành. 100% đơn vị trường có websitse, trao đổi, cập nhật thông tin qua hệ thống i-Office. 100% trường sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm quản lý phổ cập.

Các trường sử dụng hồ sơ, sổ điểm và sổ liên lạc điện tử. 45/45 trường có đủ phòng máy, điều kiện dạy Tin học cho học sinh. 100% trường mầm non, mẫu giáo, THCS thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Giáo viên được tập huấn kỹ năng dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng E-learning. Trong năm 2021, dự kiến thực hiện tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 (năm học 2021-2022) bằng hình thức trực tuyến. Tập huấn và trang bị phần mềm dạy học trực tuyến cho các trường để sẵn sàng dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thầy Trương Tấn Tuấn - giáo viên Trường THCS Hưng Nhượng chia sẻ: Việc ứng dụng các phần mềm bước đầu còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian tiếp cận, các phần mềm mang lại nhiều tiện ích, như: phần mềm quản lý học sinh Vnedu giúp giáo viên tiếp cận cách thức quản lý mới, khoa học và hiệu quả; giúp tránh được sai sót hơn việc tính toán thủ công như hệ thống sẽ tự động tổng hợp học lực, hạnh kiểm... tuân theo các quy định của Bộ GD&ĐT. Phần mềm tích hợp sẵn các mẫu báo cáo, thống kê và quản lý điểm. Đồng thời, nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến công tác soạn bài giảng.

Mục tiêu phấn đấu

Theo định hướng của huyện, hướng tới, huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết của CĐS. Mở các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về CĐS và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng CĐS từ huyện đến xã, thị trấn. Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về CĐS. Xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền về CĐS trên hệ thống truyền thanh, xây dựng các cụm pa-nô, khẩu hiệu và các văn bản tuyên truyền. Vận hành hoạt động của hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, đảm bảo chất lượng để tổ chức các cuộc họp trực tuyến.

Song song đó, phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm giấy tờ, chi phí. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; mở tài khoản, không dùng tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu giao dịch.

Thực hiện Kế hoạch số 4291, huyện đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như: 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 40% hồ sơ được giải quyết trên cổng dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện và cấp xã. Trên 90% văn bản điện tử tại cấp huyện và cấp xã được xử lý thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice (trừ các văn bản mật).

Có 20% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp được số hóa, lưu trữ tập trung và khai thác hiệu quả. 20% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Hạ tầng mạng di động và cố định (cáp quang) phủ trên 50% hộ gia đình, trên 90% xã, thị trấn. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đạt 80%. Xây dựng lộ trình bỏ mạng 2G, đảm bảo phủ sóng 4G 95% tại mọi điểm. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 40%.                                

Kim Phụng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Mua hosting chất lượng cao tại BKHOST.vn