Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu ứng dụng mạng điện thoại để hội chẩn bệnh án với Ban giám đốc.
Vai trò của mỗi cá nhân
Chia sẻ tại tọa đàm giải pháp thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực y tế, GS.TS Trần Xuân Bách - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác CĐS cần phải lập kế hoạch, đánh giá nhu cầu là bước cần thiết đầu tiên. Quá trình này chưa cần yếu tố công nghệ vào mà đòi hỏi mỗi cán bộ, đơn vị y tế phải xác định được hoạt động, nhiệm vụ, phân luồng kết quả nào có thể tối ưu hóa được, yếu tố nào đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị người bệnh. Bằng cách đó, chưa cần yếu tố công nghệ tham gia vào thì ngành y tế có thể nâng cao một phần hiệu suất. Quan trọng hơn trong bước này là sự chuẩn bị tâm thế, phương pháp và con người để mỗi cán bộ y tế tăng cường năng lực thích ứng với sự thay đổi.
Theo GS.TS Trần Xuân Bách, so sánh về mức đổi mới của các ngành thì y tế là ngành có mức độ tiếp thu những yếu tố về sự thay đổi, thích ứng tương đối chậm hơn so với các ngành khác. Bởi lẽ, bác sĩ không thể mỗi ngày sáng tạo ra một phác đồ điều trị mới, một khâu ghi chép bệnh án… cách thức tư duy của y tế đã theo các hướng dẫn rất truyền thống. Do vậy, yếu tố con người là thách thức rất lớn của ngành y tế. Công nghệ là nền tảng của CĐS nhưng thực chất quá trình đổi mới và sự thay đổi từ trong con người là yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, trong mối quan hệ với thị trường không hoàn hảo, thầy thuốc thường thiếu thông tin về vấn đề sức khỏe của người bệnh. Khi thực hiện CĐS, người bệnh giữ vai trò chủ động rất lớn, ngành y tế phải chuẩn bị cho họ một kiến thức, hành vi sử dụng các yếu tố công nghệ để tham gia vào quá trình CĐS. Đây không phải hoàn toàn là yếu tố công nghệ mà là quá trình tư duy, khai thác, sử dụng tất cả thông tin để đạt được hiệu suất tối ưu của hệ thống và hiệu quả điều trị lâm sàng của người bệnh.
“Trong CĐS thực chất là sử dụng nguồn dữ liệu để thông tin, biến quá trình y tế thành quá trình mang dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến với tất cả mọi người. Tư duy sự chuyển đổi mang tính hệ thống, đặt trọng tâm vào tiến bộ về kỹ nghệ nhưng cũng đặt ra bối cảnh nâng cao năng lực lãnh đạo và tự lãnh đạo, thích ứng và chuyển đổi của mỗi cá nhân trong hệ thống y tế”, GS.TS Trần Xuân Bách lưu ý.
Mở rộng cung ứng dịch vụ
GS.TS Trần Xuân Bách cho rằng, CĐS lĩnh vực y tế là quá trình tự động hóa, thậm chí tối ưu hóa để biến các dữ liệu và đi sâu vào nó để tìm ra các quyết định. Đó là các quyết định lâm sàng để tăng cường độ chính xác trong điều trị người bệnh, giảm được sai số. CĐS là quá trình tiến lên một hệ thống mà tất cả mọi người tham gia vào làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh trong vấn đề về sức khỏe. Sự thay đổi đó tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn, đem đến người bệnh những dịch vụ mở rộng hơn.
Trước đây, quá trình khám và điều trị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tích lũy của người thầy thuốc. Nếu như người thầy thuốc có bề dày kinh nghiệm thì người bệnh an tâm hơn. Đối với các đơn vị BV đi sau thì gặp nhiều khó khăn để bắt kịp được, nếu có cũng rất là chậm thông qua quá trình đào tạo. Nhưng thông qua CĐS, ngành y tế có thể làm hàng loạt, tạo sự kết nối theo chiều ngang. Có nghĩa là BV tại tỉnh có thể cung ứng dịch vụ chẩn đoán và điều trị với sự tham gia của các bác sĩ Trung ương và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Đây là cơ hội để ngành y tế đi tắt đón đầu.
“Thay vì người bệnh chờ giai đoạn rất nặng mới điều trị thì bây giờ dịch vụ y tế mở rộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến với người bệnh một cách chủ động hơn và tập trung nhiều hơn khía cạnh dự phòng. Trong một gia đình từ 1 em bé, 1 phụ nữ hay đàn ông trung niên, người già đều có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Thông qua CĐS, ngành y tế có thể mở rộng dịch vụ y tế đến từng đối tượng. Ngành y tế không chỉ giải quyết vấn đề bệnh lý khoảng 10 - 20% tình trạng nặng mà có thể đem đến dịch vụ chăm sóc toàn diện đến đa số dân số”, GS.TS Trần Xuân Bách nêu.
Trong tất cả hoạt động của quá trình phát triển ngành y tế đều xoay quanh việc nâng cao hiệu suất và tối đa hóa kết quả điều trị. Khi ngành y tế nâng cao được hiệu quả điều trị, có thể thông qua dữ liệu then chốt của quá trình CĐS để xác định được sai sót y khoa tiềm tàng. Đồng thời, chuẩn hóa và cung ứng cùng một chất lượng dịch vụ y tế, tối ưu nhất và nâng cao được hiệu suất làm việc.
Theo GS.TS Trần Xuân Bách, không có khái niệm chuyển đổi số khi ngành y tế chưa có thu thập tổng hợp và xử lý hiệu quả nguồn dữ liệu cũng như dữ liệu đó chưa được quay vào tham gia quá trình ra quyết định của thầy thuốc. Nguồn dữ liệu từ người bệnh khai báo không nhất thiết người bệnh phải đến cơ sở y tế mà ngành y tế phải kết nối mong muốn, trải nghiệm, kỳ vọng và tìm kiếm dịch vụ của người bệnh thông qua những ứng dụng di động hoặc những cơ chế khác để kết nối người bệnh với dữ liệu lâm sàng và dữ liệu hành chính thì hệ thống y tế sẽ tạo ra được lợi ích.
Ngành y tế có thể tổ chức phân bổ dịch vụ tối ưu hóa, thay vì người bệnh đến bệnh viện quá tải thì có thể phân chia khu vực ưu tiên, giúp ngành y tế đánh giá được các liệu pháp. Tối ưu hóa hiệu suất chi phí hiệu quả của người bệnh, ngành y tế dễ dàng phát hiện sai sót y khoa thông qua chuyển đổi số.
|
Bài, ảnh: Phan Hân