 |
Cây thiên tuế ở đình Phú Nhuận. |
Hiện nay, Bến Tre có 3 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam, đó là cổ thụ Bạch Mai ở đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) và 2 cây đa cổ thụ ở đình Phước Tuy (xã Phước Tuy, huyện Ba Tri). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện còn tồn tại rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi có giá trị về nhiều mặt nhưng chưa được quan tâm thống kê chính xác để có phương án bảo vệ kịp thời.
Qua đợt kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh vừa
qua, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều cây cổ thụ đặc biệt, sống lâu năm, có chu
vi gốc nhiều người ôm mới hết hiện diện ở các ngôi đình, chùa, thánh thất... Có
thể kể đến như cây thiên tuế ở đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre), cây
dầu rái ở đình Hội Yên (thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam), nhiều cổ thụ trong
quần thể Tòa thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (Phường 6), Bảo tàng Bến Tre (Phường
3, TP. Bến Tre), hàng cổ thụ hai bên đường ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú...
Các cây cổ thụ này nếu được quan tâm, tạo điều kiện có thể được công nhận là
cây di sản Việt Nam. Đặc biệt hơn, phần lớn các cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo
này, nơi tồn tại các cây cổ thụ đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử
- văn hóa trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 59,
ngày 11-1-2016 và sẽ được xếp hạng trong thời gian tới.
Nhiều địa phương đặc biệt quan tâm đến việc
công nhận cây di sản Việt Nam. Việc này vừa bảo tồn nguồn gen quý hiếm, vừa
tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân quan tâm, chăm sóc trước nguy
cơ không còn cây cổ thụ cho thế hệ mai sau. Hơn nữa, vấn nạn tàn phá rừng, khai
thác gỗ bừa bãi, không được quan tâm chăm sóc... khiến nhiều cây trong số này nằm
trong nguy cơ bị khô héo dẫn đến chết nên cần được bảo vệ nhiều hơn.
Các cây cổ thụ có dáng đứng uy nghi, sừng sững
trong sân các ngôi đình, chùa…, gốc xù xì đầy rêu phong mang đậm nét cổ kính, rễ
thòng xuống bám đất để nuôi sống cây qua hàng thế kỷ, tán cây tỏa rộng bóng mát
cả một vùng rộng lớn hoặc vươn lên cao vút giữa trời xanh. Phần lớn cổ thụ này
được trồng khi kiến tạo cơ sở ban đầu (đình, chùa...). Trải qua thời gian dài,
nhiều cổ thụ đã chứng kiến bao sự thăng trầm của quê hương, đất nước. Nhiều cổ
thụ rất có giá trị vì mang tính độc bản, hiếm có đặc biệt như cây thiên tuế
đình Phú Nhuận. Nhiều cây cổ thụ là nơi ẩn nấp, nuôi giấu cán bộ cách mạng qua
nhiều thời kỳ lịch sử đã góp phần tạo nên những chiến công oai hùng trong công
cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta. Hơn nữa, nhiều cây cổ thụ
đã gắn bó với đời sống của các thế hệ nhân dân, được nhân dân giữ gìn, bảo vệ
nên cây phát triển xanh tốt tạo nên bầu không khí trong lành, mát mẻ quanh năm.
Đây cũng là nơi để người dân nghỉ ngơi, họp mặt, chia sẻ tình cảm sau những giờ
lao động mệt nhọc, tạo sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong vùng. Ngoài ra,
đây cũng là điểm tham quan, vui chơi lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh
kết hợp với các di tích đã được xếp hạng trong vùng và các nét đặc trưng văn
hóa riêng trong từng khu vực tạo thành một tuyến du lịch đầy tiềm năng góp phần
nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống và tuyên truyền, quảng bá di sản văn
hóa đặc sắc của địa phương.
Việc công nhận cây di sản Việt Nam của Hội Bảo
vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của nhân
dân nơi cây tọa lạc mà còn là vinh dự, sự hân hoan của nhân dân và các cấp
chính quyền ở các khu vực lân cận. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra trách nhiệm
nặng nề cho các cấp, các ngành ở địa phương. Cho nên, cần đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau
cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây cổ thụ này đồng thời kêu gọi nhân
dân trong vùng quan tâm quản lý và chăm sóc để cây có điều kiện sinh trưởng và
phát triển thật tốt, duy trì tuổi thọ của cây phát triển trường tồn với thời
gian. Ngoài ra cần đề ra các giải pháp để nâng cao ý thức của người dân góp phần
thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, gìn giữ màu xanh cho quê
hương, đất nước.
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên
và Môi trường Việt Nam, để được công nhận là Cây Di sản Việt Nam thì cây phải
có các tiêu chí sau đây:
- Về cây tự nhiên: cây sống
trên 200 năm; cao to hùng vĩ (cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn
thân hoặc cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si thuộc chi
Ficus); có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có
giá trị văn hóa, lịch sử.
- Về cây trồng: cây sống trên
100 năm; cây cao to hùng vĩ (cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ
đơn thân hoặc cao trên 20m, chu vi trên 10m, đối với cây đa, si thuộc chi
Ficus); có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan,
văn hóa, lịch sử.
Ngoài ra, các cây không đạt
các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch
sử, hoặc văn hóa, hoặc mỹ quan; cây cảnh độc đáo; các cây gần đạt các tiêu
chí nhóm A, B nêu trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc văn hóa,
hoặc lịch sử, hoặc mỹ quan cũng được xem xét công nhận cây di sản Việt Nam. |