 |
Các thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ Nhà Văn hóa Người cao tuổi. |
Vài năm trở lại đây, khiêu vũ đã không còn là một hoạt động dành riêng cho giới trẻ mà cho cả mọi người. Đặc biệt là đối với giới cao niên, khiêu vũ đã trở thành một môn thể thao diệu kỳ giúp cải thiện sức khỏe và mang lại nhiều niềm vui, lạc quan, thêm yêu cuộc sống.
Theo chân thầy Nguyễn Văn Châu và cô Thu Hồng, chúng tôi tìm đến Câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ giao tiếp Nhà Văn hóa Người cao tuổi (TP. Bến Tre) để hiểu thêm về hoạt động này. Được thành lập vào tháng 6-2005, đến nay, CLB đã mang đến không gian sinh hoạt, giao lưu, rèn luyện sức khỏe cho người cao tuổi. Cứ đến 20 giờ thứ 6 hàng tuần, không gian hội trường Nhà Văn hóa lại sôi nổi hẳn lên bởi những giai điệu vui tươi. Ngoài 15 thành viên chính thức, với thành viên lớn tuổi nhất là 78 tuổi, CLB còn là nơi thu hút nhiều người trung niên và một số bạn trẻ say mê khiêu vũ. Những lúc đông, CLB đón hơn 50 người. Các bác thường đi thành nhóm bạn, đi cùng bạn đời, hoặc dẫn cả con cháu theo. Người biết nhiều nắm tay dìu người biết ít, vừa hướng dẫn vừa tự rèn luyện. Nụ cười luôn nở trên môi, không gian sum họp như một đại gia đình.
Là người sáng lập và cũng là Chủ nhiệm CLB, thầy Nguyễn Văn Châu chia sẻ: các vũ điệu có tiết tấu chậm và đều như Rumba, Boston, Valse hay Pasodoble là lựa chọn hàng đầu cho người cao tuổi. Các bước nhảy lúc này cũng được giản lược cho đơn giản hơn để phù hợp với thể trạng, sức khỏe của người tập. Ví dụ, bỏ bớt các động tác quay tròn nhiều trong điệu Valse để phù hợp với người bị cao huyết áp và rối loạn tiền đình; hay hạn chế các bước xoay, vặn người đối với người yếu về hệ cơ xương, đau khớp. Các bài nhạc cũng được lựa chọn sao cho có ca từ đẹp, giúp tăng thêm cảm hứng trong tập luyện. Khiêu vũ đòi hỏi sự vận động toàn diện của cơ khớp trong cơ thể, kể cả các giác quan như mắt (phải quan sát để đi đúng bước), tai (phải nghe nhạc để bước cho chuẩn, để dẫn đưa cho khéo và đúng nhịp). Sự vận động toàn diện này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe như: giúp tăng chuyển hóa cơ bản, giúp khí huyết lưu thông, tăng năng lượng, đốt cháy lượng mỡ thừa, tăng cường hệ thống miễn nhiễm cho cơ thể, giúp cân bằng tâm lý, thư giãn thần kinh, giải tỏa căng thẳng… Bác Tiêu Quế Bình (78 tuổi), sau cuộc mổ tim năm 2010, theo lời khuyên của bác sĩ, đã tìm đến với khiêu vũ để luyện tập. Được sự ủng hộ của các con, bác Bình cùng vợ (68 tuổi) đã gia nhập CLB. Bác chia sẻ: “Từ ngày tập đến nay, sức khỏe tôi đã được cải thiện rất nhiều, tôi cảm thấy mình linh hoạt, minh mẫn hơn”.
Bản chất của khiêu vũ là dạng hoạt động sinh hoạt cộng đồng, gắn kết người và người, nên các buổi khiêu vũ luôn tạo ra một bầu không khí vui tươi, hào hứng, rất có ích cho người già. Bởi khi càng lớn tuổi, con người càng có nhu cầu được quan tâm và được sẻ chia nên khi cùng nhau tham gia một hoạt động chung, người già sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau, làm cuộc sống thêm phong phú, ý nghĩa. Cô Tám Quý (63 tuổi) ở xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) vui vẻ cho biết: “Tập khiêu vũ nhanh đổ mồ hôi, vừa khỏe hơn tập thể dục thông thường vừa vui nữa”. Nhóm cô Quý toàn là nữ, thường tập cùng nhau, người này dìu tay người kia cùng nhảy, không cần nhảy theo đôi nam nữ.
“Sức khỏe tốt” phải là sự đảm bảo một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Với tiêu chí đó, khiêu vũ đã xóa bỏ dần những định kiến và trở thành một lựa chọn mới cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, một hình thức tập thể dục nhiều mà không thấy buồn chán. Trao đổi với bác Lê Văn Cơ (74 tuổi) ở xã Phú Túc (Châu Thành) về những định kiến mà một số người dành cho khiêu vũ, bác cười nói: “Đó là quan điểm cá nhân của mỗi người, nhưng bác nghĩ rằng, với những lợi ích về sức khỏe thế này thì khiêu vũ không thể nào xấu”.
Đúng vậy, đến với khiêu vũ, người cao tuổi đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, họ trở nên năng động hơn, tinh anh hơn, lạc quan hơn. Nhìn vợ chồng bác Bình dìu nhau trong điệu Boston duyên dáng, hạnh phúc luôn ngời trên gương mặt, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ hai bác như chưa hề già đi trong mắt của nhau!