Gửi văn bản góp ý kiến nghị Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

01/11/2024 - 05:29

BDK.VN - Nhằm phản ánh, chuyển tải đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã gửi văn bản góp ý đến cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi gửi văn bản góp ý kiến nghị Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Thứ nhất, tại khoản 9 Điều 1 của Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại khoản 3 Điều 12 quy định nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT: Đề nghị bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Đối tượng này hiện nay đã được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại Thông báo kết luận số 4303/TB-TTKQH15 ngày 28-9-2024 của Tổng thư ký Quốc hội, thông báo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nêu: “Rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để cập nhật, bổ sung đầy đủ đối tượng tham gia BHYT đang được quy định tại văn bản pháp luật khác vào dự thảo Luật, tránh bỏ sót đối tượng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Việc bổ sung nhóm đối tượng này vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi về y tế cho những người có đóng góp lớn trong quá khứ và hiện đang sinh sống tại các khu vực có điều kiện khó khăn.

Thứ hai, khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung Điều 13 Luật BHYT, quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT.

Tại khoản 2 Điều 13 quy định mức đóng do tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, đề nghị bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố vào điểm a và điểm b tại khoản này cho phù hợp với Luật BHXH năm 2024, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 sắp tới.

Theo Luật BHXH năm 2024 thì đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc và được hướng chế độ ốm đau, thai sản. Do đó, trong thời gian đối tượng này nghỉ ốm đau, thai sản, cơ quan BHXH phải đóng cho họ như các đối tượng khác theo quy định.

 Thứ ba, thời gian qua, trong các lần tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thường xuyên nhận được kiến nghị của cử tri, đó là: đối với đối tượng học sinh, sinh viên nên quy định cho họ có quyền lựa chọn việc tham gia BHYT tại nhà trường hoặc hộ gia đình mà họ thấy có lợi nhất.

Theo quy định hiện hành thì đối tượng học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT; học sinh, sinh viên đóng 70% còn lại. Còn các đối tượng tham gia theo diện hộ gia đình thì người thứ nhất đóng 100%, người thứ hai đóng 70%, người thứ 3 đóng 60%, người thứ tư đóng 50% và người thứ 5 trở đi đóng 40%. Và theo quy định hiện hành thì học sinh, sinh viên phải tham gia theo đơn vị nhà trường mà không được tham gia theo đối tượng hộ gia đình.

Các kiến nghị này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và đã được tiếp thu đưa vào quy định tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật lần này.

Theo đó, bổ sung điểm d khoản 6 Điều 13 Luật BHYT, cụ thể là “Trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4 Điều 12 đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được tự lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp”.  

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này do đang thực hiện ổn định. Đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này để giảm chi phí của gia đình phải đóng mà không cần quy định cho họ được lựa chọn phương thức đóng.

Đại biểu cho rằng cả hai phương án, hoặc như Chính phủ trình, hoặc như đề xuất trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội nêu đều phù hợp và có lợi cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, nếu chọn như phương án mà cơ quan thẩm tra nêu, tức là học sinh, sinh viên vẫn tham gia theo đơn vị trường học, thì Chính phủ phải có cam kết với Quốc hội trước khi bấm nút thông qua Luật này, là sẽ quy định tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên lên ít nhất là 50%.

Tránh trường hợp Luật thông qua rồi, đến khi Chính phủ ban hành nghị định để tổ chức thực hiện thì vẫn không tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh, sinh viên thì đại biểu Quốc hội thật sự sẽ không biết phải giải trình thế nào với cử tri của mình.

Thứ tư, khoản 31 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 Luật BHYT, quy định về xử lý vi phạm.

Điểm a, khoản 3 Điều 49 Luật BHYT quy định: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

“a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng”.

Dự thảo Luật lần này sửa đổi thành: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau “a) bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHYT…”

Nếu so sánh về mức độ nghiêm khắc thì dự thảo Luật lần này đã giảm nhẹ đi so với Luật BHYT hiện hành. Trong khi Luật hiện hành quy định phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng, thì lần này quy định chỉ nộp số tiền lãi bằng 0,03%/ngày, tính ra khoảng 0,9%/tháng, 10,8%/năm, mức này có những giai đoạn sẽ thấp hơn lãi suất tiền vay ngân hàng, thậm chí có những thời kỳ, mức này thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng.

 Trong khi chủ trương chung hiện nay là phải quy định chặt chẽ hơn, việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cũng phải nghiêm khắc hơn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Chính vì vậy, đề nghị ngoài việc quy định bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng thì phải nộp số tiền lãi và số tiền lãi này phải cao hơn mức 0,03%/ngày như dự thảo Luật và thậm chí cao hơn cả mức quy định của Luật BHYT hiện hành, tức là hai lần mức lãi suất liên ngân hàng, để tránh trường hợp do chế tài không đủ mạnh dẫn đến người sử dụng lao động cố tình chiếm dụng quỹ BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo chương trình kỳ họp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ được thông qua vào chiều ngày 27-11-2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

 

                                                      Tin, ảnh: Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN