"Đường đời dù có gập ghềnh đến mấy, nếu người khác đi được thì mình đi được. Có thể, mình ít sức khỏe hơn, ít thông minh hơn thì đi chậm, đi nhiều bước, rồi cũng sẽ tới đích” – anh lính biên phòng còn rất trẻ (sinh năm 1982) Huỳnh Trung Dũng tâm sự đời mình như thế. Gắn lên vai áo quân hàm Trung úy, đảm đương nhiệm vụ Chỉ huy Trưởng Đại đội 19 (Bộ đội Biên phòng tỉnh), Trung Dũng là người thầy của lớp lớp chiến sĩ mới, là chỉ huy, là đồng đội được mọi người tin yêu.
Ước mơ cháy bỏng của chàng thanh niên quê Lương Quới (Giồng Trôm) này là được làm thầy giáo. Ước mơ không thành, Dũng tình nguyện gia nhập quân đội. Hiền lành, ít nói, lại là con trai út trong gia đình chỉ có hai anh em, nên khởi nghiệp lính với Dũng chẳng dễ chút nào. Ấy vậy mà chỉ sau hơn một tuần khoác áo lính, trong anh lại nhen nhóm ý nghĩ được gắn đời mình với quân đội. Hết ba tháng quân trường, thời gian đủ chín để chàng trai tuổi quá mười tám quyết định cuộc đời mình. Dũng đăng ký dự thi vào Trường Đại học Biên phòng. Anh cười hiền khô: “Trở thành lính chuyên nghiệp, ngã rẽ cuộc đời nhưng đã cho tôi đạt được ước mơ”.
Năm năm luyện rèn trong môi trường quân đội chính quy đã cho anh sự chững chạc, nề nếp, ý thức trách nhiệm và cả bản lĩnh của lính. Và đó cũng chính là nền tảng quan trọng để Trung úy Dũng tự tin đứng trên bục giảng, thực hiện ước mơ dạy học của mình. Có điều, học trò của Dũng bây giờ không phải là những học sinh phổ thông mà là các chàng trai cùng khoác áo lính như anh.
Nguyên tắc của Dũng là không đem tình cảm vào công việc và ngược lại. Theo anh, một trong những điểm cốt yếu trong công tác huấn luyện quân đội chính là nêu gương. “Tiểu đội trưởng thì phải ngủ sau, dậy trước, phải đảm bảo duy trì chế độ, làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát…” – Trung úy Dũng nói. Còn với chỉ huy? “Vẫn phải đảm bảo 11 chế độ trong ngày, 4 chế độ trong tuần. Kỷ luật quân đội đã nghiêm, kỷ luật, nguyên tắc trong đơn vị huấn luyện phải càng nghiêm hơn” – Chỉ huy trưởng Huỳnh Trung Dũng cho biết.
Cũng một chút băn khoăn bởi sự “chính quy quân đội” của Dũng, nhưng khi dõi theo anh dạy, xem anh đi kiểm tra thao trường, qua cách nói chuyện, trao đổi giữa tân binh và chỉ huy, tôi nghe lòng mình như nhẹ hẳn. Rất thân thiện và gần gũi, giờ huấn luyện kỹ thuật quân sự, nhưng không phải quá thô ráp như chính nòng súng, xe tăng… Tuy mới được nâng cấp, sửa chữa nhưng cơ sở vật chất ở đơn vị Đại đội 19, đặc biệt là mô hình, học cụ huấn luyện còn rất thô sơ và thiếu thốn. Chẳng có những bản vẽ đầy màu sắc, cũng chẳng xe bọc thép, pháo thủ…, người thầy, người chỉ huy ở đây phải tự nghĩ ra mô hình, cách hướng dẫn nào cho vừa giống thực tế, vừa đủ sức lôi cuốn tân binh. Trung úy Dũng cười xòa: “Tôi không có năng khiếu vẽ, nhưng đôi khi điều đó là ấn tượng với học trò. Vấn đề là chúng tôi biết chọn điểm nhấn nào để các bạn lính trẻ hiểu đúng, biết đúng và làm đúng”.
Dẫu được đào tạo trong môi trường chính quy, rất nguyên tắc trong chỉ huy, nhưng trong sinh hoạt, Dũng lại như người anh, người bạn của những tân binh lần đầu tiên sống đời quân ngũ. Giờ nghỉ giải lao hay những buổi tối, mọi người vẫn thường thấy Dũng lân la, trò chuyện với các anh lính trẻ. Điểm đặc biệt ở Đại đội 19, tân binh không phải chỉ có người Bến Tre mà còn có người từ các tỉnh khác như Trà Vinh, Sóc Trăng được gửi đến huấn luyện. Từng trải qua đời lính quân trường, hơn ai hết, Dũng hiểu được khó khăn, tâm trạng của một tân binh. Với Dũng, chia sẻ về những vất vả mà người lính chuyên nghiệp từng trải qua, cả chuyện nhớ nhà, xa người yêu… như là cách tiếp thêm lửa cho các bạn lính trẻ. Trung úy Dũng nói: “Khi đứng trên bục giảng hay đến chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt của các tân binh, tôi rất dễ nhận ra những suy tư hay chút chểnh mảng của học trò mình. Điều cần làm của tôi là khơi gợi, chia sẻ để các em được trải lòng mình, vượt qua và cố gắng vươn lên”.
Xa nhà, người yêu tít tận Sài Gòn, Huỳnh Trung Dũng cũng đã phải “vượt qua thách thức”. “Khoảng cách khá xa cũng là trở lực, nhưng nhiều anh em ở tận các tỉnh miền ngoài vào đây công tác cũng phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, vợ con, là bộ đội, yêu bộ đội thì phải biết hy sinh…” – Trung úy Huỳnh Trung Dũng vui vẻ thổ lộ.