
Đại tá Trần Thị Bé Nhân - Phó giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: T. Huyền
Vỡ hụi 95 tỷ đồng
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo cho biết: Tình trạng chơi hụi có lãi xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng phức tạp. Có nhiều vụ vỡ hụi lên đến hàng chục tỷ đồng, liên quan đến hàng trăm hộ gia đình. Thời gian qua, có nhiều vụ vỡ hụi đến mức báo động, gây xôn xao dư luận nhưng hình thức “hùn vốn” này vẫn còn xảy ra và ngày càng gia tăng. Theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, năm 2013 có gần 400 người dân ở Mỏ Cày Nam điêu đứng vì vỡ hụi dây chuyền với số tiền lên đến 26 tỷ đồng. Năm 2016 có 2 vụ vỡ hụi lớn xảy ra tại xã Châu Bình (Giồng Trôm); 1 chủ hụi tuyên bố “bể hụi” trên 10 tỷ đồng với 270 hụi viên liên quan; 1 vụ vỡ hụi tại Ấp 1, xã An Khánh (Châu Thành) hơn 10 tỷ đồng. Năm 2017 có 1 vụ vỡ hụi trên 20 tỷ đồng với trên 100 người chơi tham gia ở Mỏ Cày Bắc. Đầu năm 2018 đến nay xảy ra vụ vỡ hụi ở xã Giao Thạnh (Thạnh Phú) khoảng 10 tỷ đồng. Đa số người tham gia chơi hụi là những người lao động nghèo, có người phụ giúp việc nhà tham gia chơi hụi hầu kiếm lời dành dụm phòng thân cho tuổi già.
Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh tổ chức khảo sát vỡ hụi trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện có khoảng 10 ngàn phụ nữ tham gia chơi hụi với số tiền trên 95 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, các chủ hụi dưới vỏ bọc của các thương gia, doanh nhân giàu có, trí thức thành đạt nên dễ dàng gom cả trăm tỷ đồng để thực hiện mục đích công bố là “huy động” vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Nhiều gia đình lâm nợ
Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc Lê Thị Hồng Cúc thì cho rằng, hiện trong xã, người dân đang chơi hụi có lời rất phổ biến. Hụi ban đầu chỉ là hình thức góp vốn xoay vòng mang tính tương trợ lẫn nhau, người dân có thể tiếp cận vốn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh chơi hụi tích cực cũng có nhiều vụ bị giựt khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất. Hiện toàn xã có khoảng 20 người làm chủ hụi, mỗi chủ hụi có từ 5 - 6 dây hụi, mỗi dây khoảng 20 hụi viên tham gia. Đối tượng chơi hụi phần lớn là phụ nữ, là người nắm tài chính trong gia đình chiếm trên 95%, trong đó có khoảng 160/820 hội viên phụ nữ xã tham gia.
Chị Nguyễn Thị Hoàng ở xã Thạnh Ngãi vô hụi 2 triệu đồng, dự kiến chưa hốt nhưng vì kẹt tiền phải bỏ đến 800 ngàn đồng để hốt cho bằng được. Do vậy, số tiền hốt được một dây hụi 20 người chỉ còn lại 24 triệu đồng, thay vì chơi hụi không lời hốt được 40 triệu đồng. Chính vì dễ tham gia nên chủ hụi đã lợi dụng lòng tin và hám lợi của một bộ phận người dân tổ chức nhiều dây “hụi ma” với mục đích lừa đảo mà người chơi hụi không biết. Ban đầu, để tạo lòng tin, chủ hụi chi trả cho hụi viên rất đều đặn, sau đó chiếm đoạt số tiền hụi viên đóng.
Trao đổi về hướng xử lý các vụ việc vỡ hụi, Đại tá Trần Thị Bé Nhân - Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 65 vụ vỡ hụi với tổng số tiền 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất khó xử lý ráo rẽ vì người chơi hụi hết sức chủ quan, khi tham gia chơi không có bất cứ chứng từ nào chứng minh mình đã đóng hụi hàng tháng bao nhiêu, chỉ đưa tiền theo kiểu tin tưởng lẫn nhau. Ngành đã chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp có đủ chứng cứ để góp phần hạn chế tình trạng vỡ hụi ngày càng gia tăng.
“Để hạn chế tình trạng này, rất nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tuyên truyền là then chốt, hữu hiệu nhất. Hội LHPN phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm. Hệ thống các ngân hàng, các đoàn thể tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.
Thu Huyền