BDK - Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là nơi ghi dấu một hành trình phát triển y tế đầy ý nghĩa. Từ những ngày đầu gian khó với bác sĩ quân y phục vụ trong kháng chiến, đến một hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân hôm nay.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Đặng Sưởng (bìa trái) xem ảnh lưu niệm cùng cán bộ y tế.
Từ y tế trong chiến tranh...
Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm gặp Thầy thuốc ưu tú Đặng Sưởng - nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 1993 - 1996 (giai đoạn trước đó là Phó trưởng Ty Y tế), một nhân chứng sống của ngành y tế trong những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu và ánh mắt xa xăm như còn lắng đọng bao ký ức chưa nguôi. Giới thiệu chúng tôi tấm ảnh tập thể của đội ngũ y tế treo trang trọng trên tường, câu chuyện của ông bắt đầu, chậm rãi mà đầy ám ảnh.
“Làm y tế trong chiến tranh là làm y tế giữa cái sống và cái chết. Mỗi ca mổ, mũi tiêm, bông băng đều là trận chiến”, ông Đặng Sưởng kể. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tỉnh là một trong những chiến trường ác liệt. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đội ngũ bác sĩ quân y, y tá, y sĩ kháng chiến đã đảm nhận vai trò không thể thay thế trong việc cứu chữa thương binh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân vùng giải phóng. Có những ca cấp cứu trong rừng, lúc bom đạn dội xuống, vừa lo cho thương binh, vừa phải lo sơ tán bảo vệ cả người lẫn thuốc men.
Ông Sưởng kể: Ngày đó, bác sĩ, y sĩ, y tá được gọi là “chiến sĩ áo trắng”, ra chiến trường mà tay không có đủ thuốc, mổ không có đèn, kháng sinh, giảm đau phải chia tiết kiệm từng viên. Trang thiết bị thiếu thốn, thuốc men khan hiếm nhưng các thầy thuốc vẫn kiên cường bám trụ trong rừng, chiến khu, đào hầm làm bệnh viện dã chiến, dùng cây cỏ làm thuốc nam và tận dụng mọi điều kiện có thể để cứu người.
Nhấp ngụm trà, mắt ông Sưởng ánh lên như đang sống lại những năm tháng bom rơi đạn nổ. Ông kể, cuộc tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân (1968), trên chiến trường thị xã Bến Tre hồi ấy, các đội phẫu thuật quân y tỉnh hoạt động cấp cứu, chuyển thương trong nội ô rất dũng cảm. Được lực lượng tải thương và nhân dân thị xã giúp đỡ, cán bộ, nhân viên đội phẫu thuật đã xông pha dưới mưa bom, bão đạn vừa cấp cứu vừa tổ chức đưa thương binh ra khỏi thị xã. Đây là giai đoạn y tế Bến Tre được xây dựng dựa trên tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”, coi trọng y đức và sự tận tụy với nhân dân.
Dù gian khổ, ác liệt nhưng mỗi khi đóng ở địa phương nào, ngoài việc chỉ đạo và thực hiện công việc chung, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ y tế vẫn tích cực làm tốt công tác dân vận, tổ chức khám và chữa bệnh cho quần chúng bất kể ngày đêm. Hễ có người dân bị thương, bị nạn hoặc sinh đẻ, bệnh tật là cán bộ y tế sẵn sàng đến điểm cấp cứu, chữa bệnh thực hiện khẩu hiệu “Đi dân nhớ, ở dân thương”.
Là thế hệ may mắn sinh ra và lớn lên trong thời bình, chúng tôi lặng người khi lắng nghe những câu chuyện từ một thời lửa đạn. Qua lời kể, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng hiện lên rõ nét, không chỉ là người thầy thuốc, mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng giữa khói lửa chiến tranh. Họ chính là nhịp đập nhân văn của cả một thời kỳ khốc liệt, là biểu tượng đẹp của ngành y tế cách mạng - những người “chiến sĩ không cầm súng” nhưng góp phần không nhỏ vào thắng lợi của dân tộc.
Đến xây dựng nền y tế cơ sở
Trong khí thế vui mừng chiến thắng 30-4-1975, Tổ quốc bước sang một giai đoạn mới, tỉnh phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong công cuộc tái thiết đất nước, trong đó có y tế. Ngành y tế đã nhanh chóng tiếp quản cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ thầy thuốc từ chính quyền cũ. Giai đoạn này ghi dấu sự chuyển mình quan trọng từ y tế mang tính khẩn cấp, phục vụ chiến tranh sang y tế cộng đồng, vì sức khỏe toàn dân.
Hoạt động ngành y tế tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong hồi ức của nguyên Giám đốc Sở Y tế Đặng Sưởng, ngày 1-5-1975, ngày hành quân vào thị xã Bến Tre tiếp quản ngành là một kỷ niệm không bao giờ phai. “Chúng tôi đi trong niềm vui khôn tả. Đoàn cán bộ y tế có 7 bác sĩ, 6 y sĩ từ chiến khu vác ba lô tiến về thị xã trong một nhiệm vụ mới - tiếp quản, xây dựng lại hệ thống y tế phục cho nhân dân. Dù biết trước muôn vàn khó khăn nhưng không ai than vãn, chỉ vững lòng tin và khát vọng hồi sinh sau chiến tranh”.
Lực lượng vô cùng mỏng, thiếu thuốc men, thiếu bác sĩ, thiếu cơ sở vật chất và thiếu cả kinh nghiệm quản lý trong điều kiện mới. Thế nhưng, chính trong cái khó ấy, cán bộ y tế với trách nhiệm và lòng yêu nước, mỗi người một việc bắt tay vào cuộc tái thiết. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy y tế được khôi phục và đi vào hoạt động ổn định, sẵn sàng phục vụ sức khỏe nhân dân trong hòa bình.
Năm 1983 thành lập Sở Y tế tỉnh, đánh dấu bước chuyển mình trong công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động. Chia sẻ cảm xúc trong buổi họp mặt Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Trần Công Ngữ cho biết: “Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Bến Tre - vùng đất “Đồng Khởi” giàu truyền thống cách mạng bước vào công cuộc kiến thiết lại mọi mặt đời sống. Trong đó, y tế cơ sở là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh hậu chiến đầy gian khó, hệ thống y tế của tỉnh gần như bắt đầu từ con số 0. Phần lớn các trạm xá xã bị tàn phá hoặc bỏ hoang trong chiến tranh. Đội ngũ y tế thiếu và yếu. Trang thiết bị hầu như không có, thuốc men khan hiếm trầm trọng.
Tuy nhiên, với quyết tâm “vì sức khỏe nhân dân”, tỉnh đã từng bước khôi phục và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Hàng chục cán bộ y tế từ miền Bắc và các chiến khu miền Nam được điều động về tỉnh. Các lớp đào tạo y sĩ, y tá cấp tốc được mở ra ngay tại địa phương để bổ sung lực lượng, đặc biệt cho các xã vùng sâu, vùng căn cứ cũ. Các trạm y tế xã dần được dựng lại bằng vật liệu thô sơ nhưng chứa đựng quyết tâm lớn.
Ở nhiều nơi, người dân cùng góp công, góp sức để dựng trạm xá, làm đường vào trạm, trồng vườn thuốc nam. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm hàng đầu. Đội ngũ y tế cơ sở vừa làm chuyên môn, vừa làm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi, tiêm chủng định kỳ.
Theo quyển Lịch sử Y tế Bến Tre, giai đoạn 1976 - 1985 cũng là thời kỳ ghi dấu những mô hình “y tế nhân dân” đặc trưng của tỉnh như: tổ y tế ấp, đội phòng chống dịch cơ động, vườn thuốc nam hộ gia đình... Các hoạt động này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn tạo nên mối gắn bó sâu sắc giữa ngành y tế với nhân dân.