Hãy sống trong thế giới biết ơn

19/11/2014 - 14:10

Trao quà cho các nhà giáo đã về hưu nhân họp mặt 20-11-2014. Ảnh: Hữu Hiệp

Ngày Hiến chương Nhà giáo là ngày mà chúng ta được trở về với lứa tuổi học trò, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Về lại mái trường xưa thăm thầy cô giáo cũ. Thăm những người giúp ta trưởng thành về nhân cách, đưa ta cập bến bờ tương lai. Để rồi hôm nay 20-11, chúng ta trở về thế giới biết ơn bằng tấm lòng kính trọng nhất.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ là thầy mà nữa chữ cũng là thầy. Đó là truyền thống, là đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc ta. Chính truyền thống quý báu ấy đã góp phần định hình nên nhân cách con người Việt Nam, hình thành nên bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống ấy đã sớm tạo ra giá trị đích thực, mang đậm tính nhân văn, đó là học để làm người. Mà muốn nên người thì hơn ai hết, người trò phải biết yêu quý, kính trọng thầy cô - người đã không quản khó khăn dạy cho ta những nét chữ đầu đời, rồi ân cần khuyên bảo khi ta phạm lỗi. Mỗi sự trưởng thành của chúng ta là biết bao đêm thầy cô không ngủ bên trang giáo án, để ngày mai vào lớp ta lại có những kiến thức hay những bài học thú vị. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm nhận về thầy cô với những dáng vẻ riêng nhưng ở họ có điểm chung nhất, đó là nụ cười ấm áp, ánh mắt trìu mến và giọng nói truyền cảm. Với bao thế hệ học trò, thầy cô là biểu tượng đẹp nhất của đời người.

Hoà trong không khí hân hoan của những ngày kỷ niệm nhà giáo, Hội Cựu giáo chức tỉnh phối hợp với đơn vị tài trợ - Công ty Dệt may Nguyên Dung TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi lễ tri ân thầy cô giáo cũ. Chia sẻ về việc làm của mình cô Nguyên Dung, Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Dung cho biết, tuy không có duyên với nghiệp nhà giáo nhưng cô lại rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Vì xã hội, đất nước này phát triển phần lớn là nhờ vào giáo dục. Thầy cô cả đời đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ và qua bao giai đoạn lịch sử họ đã được xã hội công nhận, ghi ơn. Thầy cô đã và đang thầm lặng ngày ngày ươm mầm chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ.


Em Nguyễn Thị Anh Thư, hiện là Phó bí thư Chi đoàn của một xã về thăm lại cô giáo thời tiểu học của mình tâm sự: Cho đến bây giờ em vẫn không sao quên được hình ảnh của cô giáo dạy lớp 1. Hình ảnh thân quen với bộ áo dài màu xanh nhạc cứ in đậm trong trí nhớ. Bằng giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, cô mang đến cho em kiến thức, giúp em biết đọc, biết viết, mở cho em cánh cửa tương lai. Có rất nhiều thầy cô, không chỉ dạy em về kiến thức mà còn dạy em về kỹ năng sống, dạy cách làm người, về tình bạn, tình yêu quê hương đất nước.

Sinh viên năm 3, Trường Đại học Tôn Đức Thắng - Lê Minh Trung,  chia sẻ: Ngày 20-11 năm nay em không về trường cũ để trực tiếp thăm các thầy cô. Nhân buổi lễ tri ân này, em xin chúc mừng Ngày Hiến chương Nhà giáo, ngày mà tất cả những người học trò như tụi em phải gửi đến thầy cô những lời tri ân sâu sắc nhất. Trung kể, em nhớ như in hình ảnh cô Nguyễn Thị Kim Xuân, giáo viên dạy Toán năm học lớp 6. Dáng người thanh mảnh, giọng nói nhẹ nhàng, giờ dạy của cô không khô khan vì con số mà luôn sinh động với nhiều mẫu chuyện hay, gắn với nội dung bài học, giúp học sinh nhớ lâu hơn. Ngày đó, cứ đến ngày 20-11, em chỉ cài lên ngực cô một đoá hoa và gọn lỏn với câu chúc “ngày 20-11, chúc cô vui vẻ, hạnh phúc”, giờ xa rồi em mới cảm thấy nhớ và tiếc sao hồi đó mình không chúc cô nhiều hơn”.

Nói về ý nghĩa ngày Nhà giáo, cô Dung tâm sự: Với cô, 20-11 là ngày chúng ta tỏ lòng biết ơn thầy cô, người đã không ngại khó, cống hiến công sức rất lớn cho xã hội. Đất nước này, xã hội này, nếu không có giáo dục, không có thầy cô giáo tâm huyết yêu nghề, thương trẻ thì xã hội không thể tiến bộ và phát triển. Vì thế, cô rất quan tâm đến thầy cô giáo, nhất là thầy cô đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Sống trong xã hội hiện tại, chúng ta phải biết tri ơn, báo ơn. Ngày Hiến chương Nhà giáo khi được về Bến Tre tri ân thầy cô giáo nghỉ hưu, với cô là việc làm vinh dự, mang đậm tính nhân văn. Thay mặt cho các thế hệ học trò đã từng ngồi ghế nhà trường, xin gửi lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo đã âm thầm cống hiến đời mình cho sự nghiệp “trồng người”.

P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN