Hãy sống và hy vọng cùng màu xanh xứ Dừa

14/02/2022 - 06:12

BDK - Sau 2 năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XX năm 2022 tại Bến Tre sẽ được tổ chức vào ngày 15-2-2022 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần) ở Nhà Văn hóa người cao tuổi tỉnh.

Với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, sự trở lại của Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh trong tiết Nguyên tiêu năm nay sẽ thắp lên màu xanh hy vọng trên quê hương xứ Dừa. Chúng ta đã và đang từng bước vượt qua khó khăn để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Qua đó cho thấy tinh thần dân tộc lại thêm lần nữa tỏa sáng với vẻ đẹp văn hóa cao thượng, ý chí mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước. Bằng những câu thơ mang hơi thở thời đại, thông điệp lan tỏa tình yêu thương, ca ngợi sự dâng hiến cho cộng đồng, thể hiện sự đồng lòng, chung sức, tất cả đoàn kết động viên, cổ vũ nhau “hãy sống và hy vọng cùng màu xanh xứ Dừa”.

Phân hội Văn học Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tuyển chọn và giới thiệu đến quý độc giả.

Nguyễn Võ Khang Hạ

Về nhà

 
Về nhà đi con
Dịch bệnh đã bùng…
Không cần phải chắt chiu tiền 
Đừng cật lực làm thêm giờ 
Cái chiếu, cái khăn, cái nồi, cái quạt… 
con ơi bỏ hết
Lúc con đi trắng tay thì cứ tay trắng 
mà về
Nơi đây còn có gia đình, mái nhà và cả một miền quê
Cũng còn tựa nương tình làng nghĩa xóm
Cũng được thong thả đùa chơi với con mèo Mướp, con gà Cồ, con vịt Xiêm, con chó Đốm…
Còn sống là có thể làm lại từ đầu
 
Về nhà đi con
Bình yên bé nhỏ…
Để cha con mình đều vơi nỗi chênh vênh
Để tạng mặt nhau mà nâng niu cho nhau từng hơi thở
Hờn giận, ghét ưa, mắc mớ gì thì cũng kịp một đôi lần tháo gỡ
Trân trọng yêu thương vào những tháng năm nhân loại quá đỗi buồn
Về - để nghe bóng dừa thủ thỉ với dòng Hàm Luông:
“Có chàng trai xa quê lâu ngày hồi hương vẫn chưa dắt theo một người 
con gái
Có cô láng giềng còn đợi một người thương quay lại
Nghe dùm điệu Lý Cái Mơn…”
 
Đoàn Thị Diễm Thuyên
 

Bến Tre trở lạnh rồi em yêu à…

 
Hổm rày lòng chẳng thảnh thơi
Điện thoại, tin nhắn khắp nơi gửi về
Thăm hỏi tình hình ở quê
Dặn dò đủ thứ nhắc đề phòng nha
 
Mùa thu tung chiếc lược ngà
Chải vào ngọn gió ngang qua xứ Dừa
Mẹ ngừng cánh võng đung đưa
Ngó ra ngoài ngõ vẫn chưa thấy về
 
Ráng chiều loang tới bờ đê
Mùa đang thắc thỏm cơn mê trở mình
Nhớ thương thấy cả bóng hình
Gặp nhau cũng chỉ đứng nhìn mà thôi
 
Giọng nói chưa tròn vành môi
Khẩu trang che kín nụ cười phía sau 
Nhìn không thấy rõ mặt nhau
Đất trời chung một nỗi đau âm thầm
 
Gửi dòng tin nhắn hồi âm
Hẹn hoài không tới cứ lần lữa sao
Miền Tây xanh thắm sắc màu
Ngày đêm lòng vẫn cứ đau đáu chờ
 
Không ngăn... mà cách trở đò
Không gần gũi để chuyện trò thân quen
Thôi đành đóng cửa cài then
Bến Tre trở lạnh rồi em yêu à…
 
Đình Thu
 

Điều ước của con

 
Chừng nào con tới lớp
Được bên bao bạn hiền
Được gần thầy cô giáo
Với muôn vàn yêu thương?
 
Con thèm vui chân sáo
Trên sân trường đầy hoa
Thèm nghe bầy chim hót
Giữa khoảng trời bao la
 
Lòng con tràn nỗi nhớ
Nhịp chân con đường xưa
Lối nào in gót nhỏ
Qua bao ngày nắng, mưa...
 
Con mơ ngày chiến thắng
Hạnh phúc đến muôn nhà
Ngày tựu trường, mong lắm...
Cho niềm yêu vỡ òa!
 
Quốc Thái
 

Bên chùa Ông ngày giáp Tết

 
Ngồi bên chùa Ông ngày tháng Chạp
Giữa lững lờ mây trôi cùng sông rộng
Đôi cánh én trập trùng cao thấp
Báo tin vui ngày sum hợp cận kề
Cô gái bày kiểng hoa ngày tết
Bán đủ đầy: mai - lan - cúc - trúc
Tứ quý lành cho thiên hạ bốn phương.
Đốt một nén nhang thơm cầu phúc
Lời gọi mời thêm mấy tiếng a lô
Thấp thỏm xuống, lên giá cả
Lo âu hạn, mặn còn sâu
Nơi xa, chỗ gần; tỉnh này, huyện nọ
Tràn lan, lan tràn dịch giã.
Quê nhà một trời sông nước 
Sáng ngọt, trưa chiều mãi ngọt
Cây dừa quê rợp bóng đất an lành 
Bầu bí chở che mát lịm rào thưa
Mong vẫn vậy Hàm Luông sóng vẫy.
 
Nguyên Tương
 

Hạt tình thương

 
Người đàn bà xứ biển như cây phi lao lẻ loi chắn sóng
lao ngược giữa dòng xe nghẽn mạch
những tờ giấy bạc chị gieo hạt 
tình thương 
tựa nhà nông gieo hạt giống 
xuống đồng
có thể chị cùng người thân trúng 
mũi tên 
bật ra từ muôn ngàn cánh cung của “hung thần Covid”
 
Phía sau chiếc khẩu trang không có ngôn ngữ không cần ngôn ngữ
chỉ có ánh mắt ngấn lệ vụt qua của con thoi di chuyển
của ngọn lửa cháy lên từ nhân nghĩa
thắp lên ấm áp tình người
thắp lên thiêu đốt yếu hèn
 
Người đàn bà nhiều lần “đi biển 
mồ côi”
độc hành gánh đàn con đi khắp 
chợ đời
người đàn bà đầu trần dép cũ
lặng lẽ ngược dòng giữa ầm ầm cơn 
bão dịch
như liệt nữ đơn phương xông trận
không có thương, giáo, ngựa, voi chỉ có hạt tình thương gieo xuống
lòng tôi hoang hóa 
bất chợt 
nẩy mầm.
 
Phạm Bội Anh Thuyên
Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN