BDK - Mô hình Dân vận khéo (DVK) “Họ đạo liên giao, tự quản về an ninh, trật tự (ANTT)” của Công an huyện Bình Đại và các họ đạo Cao đài trên địa bàn huyện được xây dựng từ đầu năm 2022, đến nay đã phát huy tốt hiệu quả, được sự đồng thuận của đông đảo chức sắc, tín đồ các họ đạo Cao đài và đã được công nhận mô hình DVK cấp huyện, cấp tỉnh năm 2023, được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), Bộ Công an ghi nhận và chỉ đạo nhân rộng toàn quốc.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi khảo sát mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Bình Đại.
Giữ gìn an ninh trật tự
Huyện Bình Đại có 6 tôn giáo đang hoạt động được Nhà nước công nhận (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tứ ân hiếu nghĩa và Phật giáo Hòa hảo) với hơn 1 ngàn chức sắc, chức việc và hơn 23 ngàn tín đồ. Theo đánh giá của Công an huyện, tình hình tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, chấp hành theo các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố đáng lưu ý về tình hình ANTT. Trên cơ sở tình hình thực tế của công tác xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ trong các họ đạo tôn giáo, đầu năm 2022, Đội An ninh Công an huyện đã đề xuất Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện xây dựng mô hình “Họ đạo liên giao, tự quản về ANTT” đối với các hệ phái Cao đài trên địa bàn huyện.
Thượng tá Bùi Văn Thanh Tâm - Phó trưởng Công an huyện Bình Đại cho biết, thời gian đầu, mô hình được xây dựng tại 6/16 họ đạo Cao đài trên địa bàn huyện, đến nay đã mở rộng thêm 10 họ đạo trên địa bàn huyện (tổng số 16/16 họ đạo Cao đài, với 529 chức sắc, 306 chức việc, 7.773 tín đồ). Mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực với sự đồng thuận cao trong chức sắc, tín đồ tôn giáo, tạo sự gắn kết giữa các họ đạo, giữa các họ đạo với lực lượng công an và chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về công tác đảm bảo ANTT và phong trào Toàn dân BVANTQ được triển khai trực tiếp, cụ thể đến chức sắc, tín đồ các họ đạo, góp phần nâng cao cảnh giác, tự phòng, tự quản và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm trong tôn giáo.
Từ đó, tình hình ANTT tại các họ đạo được đảm bảo. Các họ đạo đã phản ánh nhiều thông tin có giá trị phục vụ công tác đảm bảo ANTT địa bàn. Mô hình đã phát huy hiệu quả, làm chuyển biến căn bản tình hình ANTT trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân BVANTQ. Mô hình cũng đã huy động được nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần trong xã hội để góp phần vào công tác đảm bảo ANTT và phong trào Toàn dân BVANTQ tại địa phương. Các đạo đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo công tác tự phòng, tự quản tại cơ sở thờ tự với tổng giá trị thực hiện ước tính trên 415 triệu đồng… Mô hình đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều biện pháp vận động quần chúng trong tôn giáo tham gia, mang đem lại hiệu quả tích cực.
Nâng chất, nhân rộng mô hình
Bà Trần Thị Oanh - chức sắc Thánh thất Cao đài Chơn lý xã Bình Thới chia sẻ: “Từ khi Họ đạo Thánh thất Bình Thới tham gia thực hiện mô hình này, các chức sắc cùng các tín đồ đã luôn nâng cao ý thức về giữ gìn ANTT, giữ mối gắn kết chặt chẽ với lực lượng Công an địa phương, tình hình ANTT vì thế càng được giữ vững. Mô hình Liên giao tự quản về ANTT rất phù hợp với đường lối “Nước vinh - Đạo sáng” trong đạo, vừa tạo điều kiện cho các họ đạo được giao lưu gặp gỡ, gắn bó đoàn kết, vừa phát huy hiệu quả về giữ gìn ANTT tại địa phương, được các họ đạo đồng tình cao”.
Đại diện Công an huyện cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động của mô hình tại các họ đạo trong thời gian tới. Tiếp tục phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ tôn giáo trong phong trào Toàn dân BVANTQ, tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhằm củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả của phong trào Toàn dân BVANTQ.
Tại buổi khảo sát thẩm định việc nâng chất và nhân rộng mô hình DVK trên địa bàn huyện Bình Đại vừa qua, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và phong trào thi đua DVK tỉnh (Ban Chỉ đạo 441) đã ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Mô hình DVK là phải có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và có sự khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động. Nếu nói đến mô hình DVK trên lĩnh vực ANTT có sự tham gia của tôn giáo thì đây không phải là mô hình đầu tiên, mà trước đây cũng đã có mô hình “Xóm đạo bình yên” của Công giáo xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) được tuyên dương mô hình DVK cấp toàn quốc. Riêng mô hình DVK “Họ đạo liên giao, tự quản về ANTT” cũng đã được công nhận là mô hình cấp tỉnh năm 2023 và được biểu dương tại hội nghị toàn quốc năm 2023, đã cho thấy hiệu quả của mô hình.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia nhấn mạnh: “Mô hình thể hiện sự gắn kết, phối hợp giữa lực lượng công an với các hệ phái Cao đài trên địa bàn để đảm bảo tình hình ANTT. Mô hình cũng đã bổ sung và làm phong phú thêm cho nội dung liên giao của các hệ phái Cao đài trên địa bàn tỉnh. Thường trực Ban Chỉ đạo 441 tỉnh đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục duy trì, nâng chất, nhân rộng mô hình này ở các huyện và các tôn giáo khác. Tăng cường đoàn kết, gắn bó, phối hợp giữa các đơn vị. Đồng thời, xem xét mở rộng thêm nội dung liên giao cho phong phú thêm”.
“Điểm đáng hoan nghênh của mô hình là hiện có sự tham gia của 16/16 (100%) họ đạo Cao đài trên địa bàn huyện Bình Đại. Tín đồ các hệ phái Cao đài trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ khá cao trong các tôn giáo tại huyện, do đó, nếu làm tốt nội dung liên giao về giữ gìn ANTT sẽ làm nòng cốt, tác động rất tích cực đến tình hình ANTT chung của huyện hoặc trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, mô hình còn thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các họ đạo trong liên giao và tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng công an với tôn giáo (cụ thể là Cao đài các phái)”.
(Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 441 tỉnh)