Hiệu quả mô hình nuôi thỏ thương phẩm

28/06/2021 - 06:42

BDK - 5 năm khởi nghiệp nuôi thỏ New Zealand lai, anh Hồ Vĩnh Tiên, sinh năm 1995, ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, đã xây dựng thành công trang trại. Anh đã phát triển kinh doanh mang thương hiệu Nguyên Khang. Thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Anh chuyên cung cấp con giống, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nuôi địa phương theo giá thị trường.

Anh Hồ Vĩnh Tiên chăm sóc đàn thỏ.

Anh Hồ Vĩnh Tiên chăm sóc đàn thỏ.

Năm 2016, anh Tiên khởi đầu chăn nuôi 14 con thỏ sinh sản, mua ở TP. Hồ Chí Minh, với giá 130 ngàn đồng/kg. Từng bước phát triển, có thời điểm anh nuôi hơn 500 con thỏ trong chuồng. Hiện tại, trang trại anh có 400 ngăn (0,36m2/ngăn) để chăn nuôi, nhốt thỏ thịt thu mua về. “Mỗi ngăn, có thể nuôi 1 con thỏ sinh sản hoặc 2 con thỏ thịt, gia công từ kim loại, đặt trên khung đỡ bằng sắt cách mặt đất 70cm. Đầu tư hệ thống gắn vòi tự động giúp người nuôi tiết kiệm thời gian chăm sóc, chủ động cung cấp nguồn nước xuyên suốt cho vật nuôi”, anh Tiên chia sẻ.

Khoảng 5 - 6 tháng, thỏ cái có dấu hiện cào chuồng, có thể phối giống cho lứa đầu tiên. Thỏ là loài mắn đẻ, sáng đẻ, chiều lên giống. Mỗi con nái đẻ trung bình từ 5 - 9 con/lứa. Để đảm bảo chất lượng con giống, sức khỏe thỏ mẹ, sau sinh chừng 15 ngày mới phối giống lứa kế tiếp theo. Trung bình 3 tháng, thỏ sinh sản 2 lứa. Thỏ nái đẻ khoảng 16 lứa, người nuôi không để làm giống. Khi thỏ con ăn mạnh, dứt sữa mẹ, bán thỏ nuôi thịt, trọng lượng khoảng 1 - 1,2kg/con. Sau 2,5 tháng nuôi, cân nặng tầm 2,2kg/con, xuất bán thỏ thương phẩm. Từ 4 - 5 tháng, bán thỏ sinh sản.

“Thỏ nuôi không khó, chịu cực chăm sóc giai đoạn đầu, chịu khó quan sát tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện khác thường, giải quyết hiệu quả. Trước sinh sản, bổ sung thuốc bổ cho thỏ nái. Sinh xong, quan sát thỏ con bú sữa mẹ ra sao. 5 ngày đầu, chích ngừa tiêu chảy. Đến 16 ngày, cung cấp thêm cỏ, thức ăn tinh cho thỏ con bên cạnh bú sữa mẹ”, anh Tiên cho biết thêm.

Thỏ ăn 2 cử/ngày, theo tiêu chuẩn: 70% cây xanh - 30% thức ăn tinh. Cây xanh, chủ yếu rau, cỏ, tránh thu hoạch lúc còn sương sớm; chuối cây chẻ đôi hoặc xắt khúc vừa ăn; lá cải dạt; thậm chí cơm nguội là món thỏ là rất thích. Bệnh thường gặp trên thỏ là nấm tai - ghẻ tai, đường ruột.

Hai năm trước, anh Tiên kinh doanh thỏ thịt làm sẵn, chế biến thực phẩm cùng với chăn nuôi trang trại. Anh bán thỏ giống, bao tiêu đầu ra theo giá thị trường, thấp nhất 40 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn thu mua thỏ thịt về làm sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai. Tại tỉnh, anh cung cấp sỉ cho 6 mối, 30 con/ngày. Ngoài tỉnh, trước đây trung bình từ 200 - 220 con/tuần; do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nay chỉ còn từ 100 - 120 con/tuần.

Đa phần người bán thỏ thịt số lượng ít đều mang đến trại Nguyên Khang. Trên 50 con, anh Tiên đến tận nơi thu mua. Dao động từ 1 - 2 ngày mang về, anh sẽ làm thịt cung cấp thị trường, bán thỏ quay tại 2 cơ sở Nguyên Khang. Mỗi ngày, anh bán 10 thỏ quay, giá 240 - 260 ngàn đồng/con, tùy theo trọng lượng từ 2 - 2,2kg/con. Trên 2,2kg/con, anh cung cấp cho nhà hàng, quán ăn chế biến thực phẩm. Thỏ thịt còn sống giá từ 50 - 70 ngàn đồng/kg, từ 100 - 120 ngàn đồng/kg (làm sẵn, hút chân không), giao tận nơi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Trương Bé Thơ cho biết, Mỹ Hòa có hơn 30 hộ chăn nuôi thỏ có thu nhập ổn định, hiệu quả. Anh Hồ Vĩnh Tiên đại diện thế hệ nông dân trẻ làm kinh tế giỏi, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, tìm đầu ra bền vững phát triển thị trường thỏ thương phẩm.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN