Hiệu quả sau 2 đợt phun diệt sâu đầu đen hại dừa

19/07/2021 - 06:46

BDK - Huyện Mỏ Cày Nam là địa phương duy nhất trong 9 huyện, thành phố đã qua 2 đợt phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) diệt sâu đầu đen hại dừa. Sau 2 lần phun thuốc, số lượng sâu gây hại trên các vườn dừa bị nhiễm giảm đáng kể, diện tích nhiễm sâu đầu đen hiện không lây lan nhanh như trước khi phun.

Sâu đầu đen phá hại vườn dừa của nông dân xã Đa Phước Hội.

Sâu đầu đen phá hại vườn dừa của nông dân xã Đa Phước Hội.

Tập trung dập dịch

Từ cuối tháng 4-2021 đến ngày 19-6-2021, huyện Mỏ Cày Nam đã triển khai phun thuốc BVTV 2 lần trên các vườn dừa để diệt sâu đầu đen hại dừa. Huyện cũng thành lập tổ chuyên trách và bộ phận giúp việc phụ trách các xã, thị trấn trong công tác phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.

Thống kê ban đầu, tổng số cây dừa bị sâu đầu đen gây hại trên địa bàn huyện là 10.241 cây, diện tích 71,57ha, trong đó, số cây đốn và tiêu hủy 1.151 cây, số cây phun xịt thuốc 9.090 cây. Tuy nhiên, trong quá trình dập dịch, có thêm 4.956 cây dừa bị sâu tấn công cần phun xịt, số cây bị nhiễm sâu tăng lên, cộng với diện tích bị nhiễm lan rộng, nâng tổng số cây cần phun xịt thuốc là 14.046 cây, tổng diện tích nhiễm sâu 76ha (tính đến tháng 6-2021). Cụ thể, xã Thành Thới B có 30,7ha dừa bị nhiễm sâu, xã Tân Trung 6,8ha, xã Đa Phước Hội 38,3ha.

UBND huyện Mỏ Cày Nam đã chỉ đạo các địa phương nói trên tiến hành phun xịt thuốc theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phun xịt đủ 2 lần, đốn và tiêu hủy các cây không có khả năng phục hồi. Theo đánh giá của UBND huyện, các hộ dân cơ bản thực hiện tốt việc đốn, sau đó tiêu hủy các tàu lá bị nhiễm sâu để tránh lây lan sâu bệnh. Về kinh phí thực hiện, tổng số cây đã phun xịt xong 2 lần là 14.046 cây, trong đó có 13.612 cây dừa được hỗ trợ đủ tiền thuốc BVTV và công phun; 434 cây chỉ hỗ trợ đủ tiền thuốc BVTV, không hỗ trợ công phun do ổ dịch này phát sinh ngoài 3 ổ dịch kể trên. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 318 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 126,4 triệu đồng, ngân sách huyện 191,6 triệu đồng.

Ông Võ Văn Nhỏ, ngụ ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, chia sẻ: “Sau khi phát hiện vườn dừa 5 công có 130 cây bị nhiễm sâu đầu đen, tôi báo liền cho xã, khoảng 1 tuần sau, vườn dừa nhà tôi được hỗ trợ phun thuốc BVTV. Phun lần 1 bằng thuốc sinh học Dipel 6,4WG, tỷ lệ sâu chết không nhiều, buổi chiều bướm (sâu nở thành bướm) bay rất nhiều, đến lần 2 đổi thuốc Actimax 50WG thấy hiệu quả hơn, không thấy bướm bay nhiều nữa, cây dừa có dấu hiệu hồi phục, đọt cây bắt đầu ra lá xanh”.

Đánh giá hiệu quả

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, UBND huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung kế hoạch đề ra, cơ bản ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của sâu đầu đen đến các vườn dừa trên địa bàn huyện, đồng thời đã hỗ trợ các hộ dân trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại thực hiện các biện pháp phòng trừ để bảo vệ diện tích vườn dừa và từng bước khôi phục lại vườn dừa bị sâu gây hại.

Các địa phương có quan tâm triển khai thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen theo hướng dẫn của tổ chuyên trách và bộ phận giúp việc của huyện, tỉnh. Liều lượng phun, cách phun theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Loại thuốc sử dụng gồm thuốc Actimax 50WG; Dipel 6,4WG (do Sở NN&PTNT cung cấp). Hiệu quả phun thuốc: loại thuốc sử dụng phun xịt có phát huy hiệu quả tốt đối với sâu và với các vườn dừa thực hiện đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn về kỹ thuật phun xịt, cắt mé tàu lá dừa, phun đủ và đúng thời gian giữa 2 lần phun. Số lượng sâu gây hại trên các vườn dừa bị nhiễm giảm đáng kể, số sâu còn lại không nhiều (khoảng 5 - 10 con/tàu, do nhộng mới nở). Diện tích nhiễm sâu đầu đen hiện tại không lây lan nhanh như trước khi thực hiện kế hoạch, các cây dừa bắt đầu bung đọt xanh 2 - 3 tàu/cây. Đối với những vườn dừa thực hiện cắt tỉa tiêu hủy các tàu lá dừa bị sâu hại nặng trước khi phun thuốc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì hiệu quả khá cao.

Xã Tân Trung có diện tích dừa bị nhiễm sâu ít nhất nhưng lại là địa bàn có diện tích trồng dừa hữu cơ nhiều, do đó loại thuốc được sử dụng trên vườn dừa rất được người dân quan tâm. Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho hay: “Lúc đầu trước khi phun, mỗi tàu lá dừa có khoảng 100 con sâu. Qua 2 lần phun thuốc BVTV chỉ còn khoảng 5 con sâu/tàu lá. Tôi đánh giá rất cao về hiệu quả phun lần 2 bằng thuốc Actimax 50WG”.

Huyện Mỏ Cày Nam là địa phương duy nhất trong 9 huyện, thành phố đã qua 2 đợt phun thuốc BVTV diệt sâu đầu đen hại dừa. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết: “Qua các lần tổ chức phun và khảo sát thực tế ở huyện Mỏ Cày Nam nói riêng và toàn tỉnh nói chung, các biện pháp đã áp dụng trong đợt cao điểm đã phát huy rõ hiệu quả, nhiều vườn không cần phun lại lần 2, chỉ những vườn tái phát nhiều mới phun lần 2 nhưng số phun lần 2 ít. Tuy nhiên, người dân vẫn cần theo dõi sát sao, cảnh giác sâu phát tán trên diện rộng ở những điểm mới phát sinh, phát triển. Kinh nghiệm là phát hiện sớm, dập dịch nhanh thì mật số hạ nhanh, kế đến là phóng thích ong ký sinh”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có huyện Bình Đại đã phóng thích ong ký sinh mắt đỏ 5,2 triệu con do Tập đoàn TTC hỗ trợ, vùng này đã được kiểm soát tương đối tốt. Những vùng còn lại sẽ được tiếp tục thả ong ký sinh chuyên tính, như huyện Mỏ Cày Nam và TP. Bến Tre vừa được thả ong trên vườn dừa để nghiên cứu, nhân nuôi. Diện tích nhiễm sâu đầu đen đến nay có thể vẫn tiếp tục tăng nhưng tỉnh đã khống chế được mức độ gây hại, dù có sâu nhưng mật số gây hại không đáng kể đối với sản xuất.

“Hướng tới là kiên trì giải pháp bằng sinh học để kiểm soát bền vững vấn đề sâu đầu đen trên vườn dừa, không chú trọng quá nhiều vào việc phun thuốc vì thuốc chỉ là giải pháp dập dịch tạm thời”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức thông tin.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN