Hiệu quả Tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo

12/01/2024 - 05:52

BDK - Xây dựng và phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp nông dân là cách mà các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Bình Đại thực hiện, tạo điều kiện để hội viên nông dân cơ sở có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập hộ gia đình và giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong đó, HND xã Vang Quới Tây đã phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo và mang lại hiệu quả thiết thực.

Các thành viên tổ hội nghề nghiệp tham gia đan giỏ nhựa.

Các thành viên tổ hội nghề nghiệp tham gia đan giỏ nhựa.

Chủ tịch HND xã Vang Qưới Tây, huyện Bình Đại Đỗ Lê Ân cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo xã Vang Quới Tây được thành lập và phát triển vào năm 2019 trên cơ sở củng cố Tổ hội nghề nghiệp đan giỏ xách của Chi hội ấp Vinh Thái, do chị Phạm Thị Thủy, sinh năm 1971, làm tổ trưởng, phụ trách tìm nguồn hàng, tiếp nhận, giao sản phẩm cho các thành viên và trực tiếp hỗ trợ dạy nghề đan cho thành viên mới; đồng thời, là đầu mối thu gom sản phẩm hoàn chỉnh giao cho các công ty.

Ban đầu tổ có 7 thành viên tham gia, sau thời gian hoạt động và phát triển, đến nay, tổ đã thu hút được 11 thành viên trực tiếp nhận gia công sản phẩm giỏ nhựa xuất khẩu. Các thành viên của tổ chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi làm ăn xa. Nghề đan giỏ nhựa dễ học, dễ làm nên thu hút lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia. Hầu hết các thành viên đều thành thạo công việc và nhận sản phẩm về gia công tại nhà để vừa tiện chăm sóc con nhỏ, làm việc nhà, vừa có thu nhập. Công việc gia công giỏ nhựa khá đơn giản, không tốn sức, chỉ cần chịu khó, siêng năng và khéo léo mà tiền công hợp lý.

Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo xã Vang Quới Tây Phạm Thị Thủy chia sẻ: “Hiện tại, bình quân mỗi tháng, tổ nhận cung cấp gia công trên 800 sản phẩm giỏ nhựa các loại theo khung thiết kế của công ty. Với mỗi chiếc giỏ thành phẩm, các thành viên được trả công từ 5.000 - 40.000 đồng tùy kích cỡ của giỏ. Trung bình mỗi ngày, một người đan từ 4 - 20 giỏ, tiền công từ 80 - 100 ngàn đồng, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo”.

Chị Trần Thị Ngọc Dung, ở ấp Vinh Thái, xã Vang Quới Tây là người tham gia đan giỏ nhựa kể từ khi tổ mới thành lập đến nay cho biết: “Gia đình khó khăn, tôi không có điều kiện đi làm xa. Từ khi tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo của xã thành lập, tôi có việc làm, có thêm nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 2 triệu đồng/tháng nên cuộc sống đã cải thiện đáng kể”.

Mô hình thực sự mang lại hiệu quả tích cực, đã và đang giúp nhiều nông dân nhàn rỗi có việc làm tại chỗ thường xuyên, có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023, trong tổ đã có 1 thành viên vươn lên thoát nghèo nhờ vào nguồn thu nhập đan giỏ nhựa. “Thời gian tới, HND xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh, chuyển đổi, thành lập các chi hội, tổi hội nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương”, Chủ tịch HND xã Vang Quới Tây Anh Đỗ Lê Ân cho biết thêm.

Hiệu quả của Tổ hội nghề nghiệp nông dân đan giỏ nhựa giảm nghèo ở xã Vang Quới Tây là cơ sở cho HND các cấp và địa phương tiếp tục phát triển mở rộng mô hình sản xuất theo hình thức chi hội, tổ hội nghề nghiệp, để nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân, hướng đến duy trì và nâng chất lượng tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN