Hình thành và phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

26/04/2023 - 05:50

BDK - Năm 2022 được đánh giá là năm nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng của tỉnh đạt kết quả khả quan. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được duy trì và phát triển khá ổn định, với hơn 50 ngàn ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản và đã khai thác được diện tích nuôi thủy sản là 47.590ha. Tổng sản lượng nuôi năm 2022 đạt 310.015 tấn, trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ đó là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Trong quý I-2023, ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Tổng diện tích thả nuôi ước 32.120ha, tăng 1,35% so với cùng kỳ, đạt 67,2% kế hoạch. Sản lượng thu hoạch trong quý ước đạt 67.420 tấn, tăng 7,28% so với cùng kỳ, đạt 20,16% kế hoạch. Trong đó, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh khoảng 3.619ha, tăng 5,11% so với cùng kỳ, đạt 28,27% kế hoạch. Nuôi tôm UDCNC lũy kế đến nay là 2.567ha, đạt 64,18% kế hoạch.

Hoạt động sản xuất con giống ngày càng được nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có 56 trại sản xuất ương dưỡng giống tôm, với tổng công suất khoảng 6 tỷ con giống/năm, trong đó có 3 trại sản xuất giống quy mô lớn.

Quan điểm của tỉnh là khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị ngành tôm của tỉnh. Hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm UDCNC nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội.

Phát triển vùng sản xuất tập trung

Để hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm UDCNC, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ/cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) (mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 HTX nuôi tôm UDCNC đạt 100 tỷ đồng/HTX. Quan trọng là phối hợp với địa phương chọn HTX đủ điều kiện để được chứng nhận vùng nuôi tôm nước lợ UDCNC, nhằm tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng và đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chứng nhận, các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế như ASC, BAP… tiếp tục nhân rộng để nâng cao giá trị của con tôm Bến Tre trong thời gian tới.

Tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung như: 100ha tại xã Bảo Thuận - Ba Tri, 300ha tại xã Thạnh Phước - Bình Đại và 100ha tại xã Giao Thạnh, Thạnh Hải (Thạnh Phú); phát triển khu vực nuôi tôm nước lợ UDCNC có quy mô trang trại/hộ gia đình có diện tích từ 1 - 10ha, hướng dẫn đăng ký để đạt các tiêu chí và được chứng nhận cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ UDCNC.

Vận động, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tập trung. Khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến tôm quy mô lớn tại Khu công nghiệp Phú Thuận; tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư để đến năm 2025 các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được khoảng 50 - 60% sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN