
Đáy hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp cạn khô, nứt nẻ.
Hồ cạn trơ đáy
Có mặt tại hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp vào ngày 27-4-2020, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh hồ chứa với trữ lượng trên 800 ngàn mét khối nước ngọt giờ khô cạn. Đất đáy hồ nứt nẻ. Một số đoạn bờ kênh gãy sụp.
Công trình Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp được bàn giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre quản lý khai thác từ ngày 17-12-2019. Thời gian qua, Nhà máy nước Kênh Lắp - N.I.D (xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri) thuộc Công ty CP sản xuất và thương mại N.I.D sử dụng làm nguồn khai thác để xử lý, cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho 1.607 hộ dân các xã: An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây và Bảo Thuận huyện Ba Tri. Đồng thời, công ty cung cấp qua đồng hồ tổng cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, với công suất 2.400m3/ngày đêm đã đảm bảo nhu cầu nước ngọt của người dân.
Từ ngày 10-1-2020, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đã đóng cửa cống 9A, không lấy nước vào hồ. Qua gần 3 tháng sử dụng, nước trữ trong hồ đã giảm nhiều, không có nguồn nước ngọt để bổ sung thêm vào hồ chứa. Mặt khác, mùa khô năm 2020, hạn hán kéo dài, mặn xâm nhập sâu nên nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân tăng cao. Chính vì thế đến khoảng giữa tháng 4-2020, nguồn nước trong hồ dần cạn, trơ đất.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Hồ Ngọc Hậu cho biết, từ giữa tháng 4-2020, cao trình mực nước hồ chứa dưới 1,3m, thấp hơn 0,3m so với mực nước chết và đã xảy ra sạt lở tại vị trí cuối hồ. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn còn kéo dài đến tháng 5-2020, công ty đã đề nghị Công ty CP sản xuất và thương mại N.I.D có kế hoạch vận hành, khai thác nguồn nước từ hồ chứa cho phù hợp đến hết mùa khô năm 2020.
Để đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân, Công ty CP sản xuất và thương mại N.I.D đã nạo vét, vén bùn trong hồ chứa nước ngọt nhằm khơi thông dòng chảy để lấy nước ngọt. Bên cạnh đó, công ty giảm dần công suất khai thác trong hồ và thông báo các hộ dân sử dụng nước được biết để sử dụng nước tiết kiệm; cung cấp nước luân phiên.
Trưởng phòng Hành chính Công ty CP sản xuất và thương mại N.I.D Đặng Thị Hạnh cho biết, công ty đã thông báo đến người dân có sử dụng nước về tình hình thiếu hụt nước ngọt và khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để đảm bảo đủ lượng nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô năm 2020. Đơn vị tìm nguồn nước bổ sung nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho người dân.
Hỗ trợ nước ngọt cho dân
Gần 1 tháng nay, các hộ dân trên địa bàn huyện Ba Tri sử dụng nước từ hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã chuyển sang sử dụng nước từ Nhà máy nước Tân Mỹ. Nước cung cấp có độ mặn cao chỉ phục vụ tắm, giặt; dùng ăn uống không đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Rãi, Ấp 2, xã Phước Ngãi cho hay, nước mặn đắng không thể xài, gia đình ông phải đổi nước ngọt, trung bình 2m3/xe nước xài trong việc ăn uống cho người và nước uống cho bò được 5 - 6 ngày. “Thời buổi nước quý hơn vàng, phải dặn trước nếu không thì không có nước ngọt để đổi”, ông Nguyễn Văn Rãi bày tỏ.
Bà Trần Thị Hồng, Ấp 2, xã Phước Ngãi cho biết, xã có cây nước ngọt cung cấp miễn phí cho người dân, nhưng do đông người đến lấy, mỗi lần lấy được 40 lít phải chờ đợi 1 - 2 tiếng đồng hồ. Gia đình bà kinh doanh quán ăn, không có thời gian nên dù miễn phí cũng ngại đến lấy nước ngọt. Phần lớn nước phải đổi, giá từ 60 - 80 ngàn đồng/m3 tùy chủ xe.
“Trước đó, có 1 xe nước ngọt giá 60 ngàn đồng/m3, gia đình dùng ăn uống, tắm cho sắp nhỏ xài được khoảng 10 ngày. Từ khi xã có máy lọc mặn, người dân đỡ phần lo lắng việc nước ngọt. Gần 1 tháng nay, gia đình tôi lấy nước ngọt ở máy lọc nước công cộng tại chợ Phú Ngãi”, bà Huỳnh Thị Nu, Ấp 2, xã Phước Ngãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Phước Ngãi Võ Minh Công cho biết, trước tình hình thiếu nước ngọt của người dân, địa phương đã phát huy hết công suất 3 máy lọc mặn RO công cộng được đặt tại: chợ Phú Ngãi, trụ sở UBND xã Phú Ngãi cũ, trụ sở UBND xã Phước Ngãi. Công suất mỗi máy đạt 500 lít/giờ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nước dùng trong ăn, uống của người dân. Những hộ chăn nuôi buộc phải đổi nước ngọt, giá mỗi 1 xe bồn 2m3 chuyển tới nhà khoảng 150 ngàn đồng.
“Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới, huyện tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ nước ngọt. Hướng tới, huyện sẽ có xe vận chuyển nước ngọt đến xã để người dân xài đỡ. Mặt khác, một số xã có trang bị máy lọc mặn RO sẽ tiếp tục vận hành để cung cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong ăn uống. Các xã có giếng nước ngầm của dân (Tân Thủy, An Thủy) thì vận động người dân san sẻ nhau để mọi người có nước ngọt sử dụng, tối thiểu 40 lít nước/người/ngày”, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri Hồ Văn Thương cho hay.
“Thiết kế hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp huyện Ba Tri được duyệt thì mức nước chết của hạng mục hồ chứa -1,0. Đây là mực nước khai thác thấp nhất của hồ. Ở mực nước này, công trình vẫn ổn định, đảm bảo vận hành bình thường. Các đơn vị quản lý cần có kế hoạch quản lý tốt và có bảng cấm tải trọng xe lưu thông trên đường xung quanh hồ chứa để phát huy hiệu quả công trình được lâu dài”.
(Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Dài)
|
Bài, ảnh: Phan Hân