BDK.VN - Theo đánh giá của UBND huyện Chợ Lách, tình hình tiêu thụ hoa kiểng Tết Nguyên đán của nông dân trên địa bàn huyện năm nay gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ yếu, mai vàng nở muộn, vạn thọ nở trễ do ảnh hưởng thời tiết…
Trên tuyến huyện lộ qua địa bàn xã Phú Sơn, số hoa giấy còn lại sau Tết vẫn khá nhiều, chủ yếu các chậu cỡ lớn.
Người dân bán hoa kiểng tại các chợ năm 2025 vẫn tiêu thụ được hàng hóa nhưng lợi nhuận thấp hơn so với trung bình nhiều năm gần đây. Số lượng bán hàng online trong năm và dịp Tết nhiều nên ảnh hưởng sức mua tại các chợ.
Tổng sản phẩm hoa kiểng tại Chợ Lách phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ khoảng 10,2 triệu sản phẩm tăng 0,7 triệu sản phẩm so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong đó chủ yếu là mai vàng, bông giấy, hoa nở và tắc kiểng. Tình hình tiêu thụ hoa Tết Ất Tỵ chỉ khoảng 8,67 triệu sản phẩm, đạt khoảng 85%, trong đó, tiêu thụ tại vườn 50%, tiêu thụ tại chợ truyền thống 35%.
Giá bán tại vườn các mặt hàng hoa nở, kiểng không tăng, một số có tăng nhẹ dao động từ 10 - 20% tùy theo chủng loại so với năm trước. Giá hoa vạn thọ: 80.000 - 120.000 đồng/1 cặp, hoa mào gà: 70.000 - 80.000 đồng/1 cặp, cúc mâm xôi: 150.000 - 180.000 đồng /1 cặp, cúc Hà Lan: 160.000 - 200.000 đồng/1 cặp, mai vàng các kích thước từ 80.000 đồng (mai mini) cho đến 1,5 triệu đồng/cây (mai tàng), hoa giấy với nhiều kích thước khác nhau từ 150.000 đồng/chậu đến vài triệu đồng/chậu có cả vài chục triệu đồng/chậu.
Sản lượng tiêu thụ hoa kiểng tại các thị trường truyền thống chủ yếu như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ và các tỉnh thành Nam bộ đạt khoảng 75%. Giá bán các sản phẩm hoa, kiểng tại chợ giảm khoảng 15 - 20%. Các sản phẩm hoa nở như cúc và vạn thọ đồng loạt các chợ giảm giá vào các ngày cuối chợ giá giảm sâu từ 40 - 50%; khoảng 20 - 25% sản phẩm tồn đọng không bán được, chủ yếu bông giấy, mai vàng, kiểng bonsai, khoảng 30% sản lượng mai vàng không bán được do hoa không nở, người dân mang về tái sản xuất.