Hoàng Thành Thăng Long hướng tới trở thành di sản văn hoá thế giới

27/01/2008 - 11:23

Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long sẽ đón nhận bằng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 10/2/2008 (tức mồng 4 Tết Mậu Tý). Trong năm 2008, Hà Nội sẽ hoàn tất hồ sơ để tháng 2/2009 có thể trình UNESCO công nhận di sản thế giới.

Ngày 28/12/2007, Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch Trần Chiến Thắng đã ký Quyết định Xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội (bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Di tích khảo cổ học 18 - Hoàng Diệu, phường Điện Biên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình-Hà Nội). Lễ đón nhận bằng di tích quốc gia sẽ được tổ chức trang trọng tại thành cổ Hà Nội vào ngày 10/2 (tức mồng 4 Tết Mậu Tý).


Ông Trần Quang Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết: Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long có bề dày lịch sử hơn 1.000 năm, với hai khu vực lớn. Thứ nhất là trục trung tâm trong phạm vi thành cổ hiện nay và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã khai quật từ năm 2002. Đến bây giờ thì khu di tích khảo cổ học này vẫn đang tiếp tục khai quật và nghiên cứu. Nhưng những giá trị tiêu biểu của Khu di tích này đã được giới khoa học trong nước và nước ngoài khẳng định, bởi nó minh chứng cho lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc chúng ta, cha ông chúng ta. Với trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long và các di tích còn lại trên mặt đất và tiềm năng trong lòng đất thì nó có khả năng minh chứng làm sáng tỏ sự hưng thịnh, sự trỗi dậy của nền văn hoá Thăng Long, phản ánh sức sống của văn hoá dân tộc, nền văn minh Đại Việt và văn hiến Thăng Long đã được khơi nguồn và phát triển từ đây. Đây là một khu di tích rất quan trọng để làm sáng tỏ các giá trị văn hoá của Thăng Long- Hà Nội nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.


PV: Xin ông cho biết qui mô của vùng bảo tồn của Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội?


Ông Trần Quang Dũng:
Toàn bộ diện tích của khu vực khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu rộng 18 ha, cùng với khu Thành cổ được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây là đường Hoàng Diệu. Hai khu này được kết nối với nhau thành khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cứ hình dung trục trung tâm bao gồm 4 mặt phố ở phía bên này như là bìa của cuốn sách nơi ta có thể cảm nhận khái quát nhất về trục trung tâm của cấm thành Hoàng thành Thăng Long, thì lật giở từng trang lịch sử của khảo cổ học từ thời Đại La, cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều có thể đọc được những dấu ấn của di tích, của kiến trúc, của hiện vật để minh chứng cho những điều mà chúng ta đã biết trong sử sách.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN