 |
Chú Soạn (bên phải) đang bắt mạch cho người bệnh. |
Từ khi Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ra đời, việc học tập làm theo gương Bác đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng. Mọi người xem việc học tập, làm theo gương Bác là việc làm hàng ngày, với những việc làm cụ thể, thiết thực.
Hiến đất xây nhà văn hóa ấp
Ở cái tuổi 66, chú Lữ Văn Se, ở ấp Tài Đại - xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) vẫn góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. “Học theo Bác là phải biết cống hiến, biết vì mọi người”, chú Se nói. Hiện tại, Nhà văn hóa ấp Tài Đại được xây dựng khá khang trang trên diện tích 500m2, do chú Se hiến tặng.
Chúng tôi theo chân bà Lê Phương Thúy - Phó Chủ tịch UBND xã đến thăm chú Se vào một buổi trưa. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về chú là sự cởi mở, chân tình. Dù tuổi đã cao nhưng chú Se vẫn phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Chú Se chia sẻ: “Có được cuộc sống bình yên như hôm nay, ông cha ta đã hy sinh biết bao xương máu. Nay, đất nước hòa bình, độc lập, mình phải biết vì mọi người, biết cống hiến cho đất nước, quê hương”. Theo chú Se, có Nhà văn hóa là niềm vui chung của mọi người, chứ không của riêng ai.
Bà Thúy cho biết, trước đây khi chưa có Nhà văn hóa, mỗi lần họp dân để triển khai nghị quyết hay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thì ấp lại mượn nhà dân, thiếu chỗ, thiếu tài liệu nghiên cứu, đôi lúc gặp khó khăn. Thấy địa phương còn nhiều thiếu thốn, với lợi thế mảnh đất nằm cạnh đường, lại ở trung tâm ấp, có thể dễ dàng tập hợp dân, vậy là chú Se quyết định tặng 500m2 đất để ấp xây dựng Nhà văn hóa.
Mỗi ngày, sau giờ làm việc phụ giúp gia đình, chú Se lại dành khoảng thời gian để quét dọn, lau chùi bàn ghế cho Nhà văn hóa.
Học theo Bác ở sự thương người
Đến ấp Phú Hòa - xã Quới Thành (Châu Thành), chúng tôi không mấy khó khăn khi hỏi thăm nhà chú Nguyễn Văn Soạn, một công dân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác. Với công việc bốc thuốc nam từ thiện, chú Soạn được nhiều người biết đến bằng cái tên gọi quen thuộc: Chú Sáu.
Sinh năm 1949, trong một gia đình nghèo lại đông anh em, để có thể nuôi sống bản thân, chú Sáu phải bươn chải bằng nhiều nghề. Nhưng rồi như một cơ duyên, chú học được nghề bốc thuốc Nam từ người bà con - lương y Hoàng Văn Trụ. Vận dụng vốn kiến thức chữa bệnh cứu người bằng những thảo dược quê nhà, chú Sáu bắt đầu làm việc thiện và đi nhiều nơi để thực hiện ước muốn giúp người.
Theo chú Sáu, học tập, làm theo gương Bác là phải biết yêu thương, biết giúp đỡ, chia sẻ khi người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Chính vì tâm nguyện ấy mà chú sẵn sàng làm bất cứ việc công ích nào từ làm cầu, xây đường đến phục vụ bếp ăn từ thiện cho học sinh nghèo ở hai trường THPT: Nguyễn Huệ và Diệp Minh Châu. Đa số bệnh nhân của chú đều tham gia làm công ích, như: đi tìm thuốc, cùng mọi người phơi thuốc, phân loại thuốc… sau khi khỏi bệnh.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình chú Sáu, trời đã chạng vạng tối nhưng vẫn còn bệnh nhân đến xin xem mạch, bốc thuốc. Anh Nguyễn Văn Hải (xã Quới Thành) do phải đi làm việc cả ngày, nên tranh thủ lúc chiều đến nhờ chú Sáu xem mạch. Anh Hải cho biết, chú Sáu làm từ thiện lâu lắm rồi. Dù gia đình không mấy khá giả, nhưng nếu ai gặp khó khăn là chú sẵn sàng giúp đỡ. Những ngày không đi làm, anh Hải thường đến phòng mạch nhỏ của chú Sáu để phụ giúp, có khi phơi thuốc, có khi chặt thuốc hoặc có khi nấu thuốc phục vụ những bệnh nhân nặng. Hỏi về công việc tương lai, chú Sáu tâm sự, nếu có thể thì chú sẽ vận động kinh phí để giúp bếp ăn từ thiện liên xã Tiên Thủy - Quới Thành và tiếp tục thực hiện tâm nguyện giúp người cho đến cuối đời.