Học tập ở Bác Hồ biện pháp nêu gương

13/08/2010 - 08:36

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy chúng ta rằng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.  Người còn ví việc rèn luyện đạo đức như:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Với Bác, rèn luyện đạo đức cách mạng nói riêng và rèn luyện đạo đức con người mới nói chung là một quá trình gian nan, vất vả, cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản: một là, tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng; hai là, nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; ba là, xây dựng đạo đức mới đi đôi với đấu tranh chống những biểu hiện phi đạo đức. Trong đó, vấn đề nêu gương giữ một vai trò to lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đạo đức của con người. Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác, trong rèn luyện đạo đức, phải chú trọng đạo làm gương. Đó là tấm gương của ông bà, cha mẹ đối với con cháu, tấm gương của thầy cô đối với học trò, là tấm gương của con người đối với con người… Đặc biệt là tấm gương của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”.

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã xác định phương pháp giáo dục quan trọng là sức mạnh của sự nêu gương. Theo Bác, nêu gương là biện pháp thiết thực để “trồng người”. Vì vậy, trong khoảng thời gian mười năm (từ năm 1959 đến 1969), Bác rất quan tâm đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Mỗi lần có những tấm gương người tốt việc tốt, Bác đề nghị địa phương, cơ quan đó xác nhận và gửi tặng huy hiệu. Bác đã cắt báo hơn 4.000 tấm gương người tốt, việc tốt, dán kín 18 quyển vở. Bác Hồ đã ghi nhận những tấm gương bình thường mà cao đẹp: một cụ già ở vùng sơ tán, trồng cây dọc đường làng và đào hầm trú ẩn để người đi đường có chỗ nấp; anh bộ đội nhặt nhạnh, tích góp 300 bộ nút từ quần áo cũ và nộp vào kho; chị dân công giữ gìn gánh gạo khô sạch, trời mưa, người ướt, gạo khô, vì chị đã lấy áo đi mưa che cho gánh gạo…Còn biết bao tấm gương khác nữa, những tấm gương rất đỗi đời thường với những con người khác nhau, với những việc làm khác nhau, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là họ sống không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người.

Hồ Chí Minh đề cao biện pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và chính Người đã thực hành lặng lẽ, kiên trì còn nhiều hơn những điều Người nói. Người đã vận dụng phương thức của người xưa: “dĩ nhân vi giáo, dĩ ngôn vi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã; sau đó, mới giáo dục bằng lời nói. Từ đó, ta thấy rằng, sở dĩ Hồ Chí Minh trở thành một nhà đạo đức chân chính để lại cho chúng ta một tấm gương đạo đức sáng ngời là vì suốt đời Người đã không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa đời công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày.

Ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống đời thường, có biết bao tấm gương cao đẹp. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đấu ở xã Châu Bình (Giồng Trôm) hiến 5 triệu đồng để xây dựng cầu cho các cháu nhỏ đi lại, học hành được thuận tiện hơn. Đôi vợ chồng thành đạt Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc góp phần thắp sáng văn hóa cho người dân xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam) bằng việc xây dựng thư viện Đặng Huỳnh, với hơn 2.000 đầu sách. Tấm gương của cô hộ lý Nguyễn Thị Bích Loan (BV Cù Lao Minh), đã 3 lần hiến máu cứu bệnh nhân. Và còn nhiều những tấm gương khác mà chúng tôi chưa kể hết trong bài viết này.

Qua những tấm gương người tốt, việc tốt, chúng ta tự soi rọi vào mình và nó như một động lực thôi thúc ta ngày một sống tốt hơn. Điều này càng có ý nghĩa vô cùng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những con người vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì “phải làm mực thước cho người ta bắt chước” và nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đúng như lời nhắc nhở của Bác: “Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Nguyễn Thị Nga

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN