Hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật 

15/10/2024 - 18:12

BDK.VN - Ngày 15-10-2024, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi chủ trì hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại hội nghị.

Tham dự, có các ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre công tác tại địa phương; đại diện các ban HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tư pháp; đại diện Thường trực HĐND các huyện, thành phố; đại diện Thường trực HĐND xã Sơn Đông, TP. Bến Tre.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có 3 điều: Điều 1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Điều 2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; Điều 3) Hiệu lực thi hành, kể từ ngày 1-1-2026.

Tại Điều 1 của dự thảo Luật (sửa đổi), đa số đại biểu thống nhất cao với phương án 2 (theo dự thảo Luật).

Đại biểu góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đại biểu thảo luận tập trung các nội dung như: Giám sát của HĐND nơi tổ chức, chính quyền đô thị; thời điểm gửi báo cáo đến Quốc hội của các cơ quan; xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.

Đối với nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem xét báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo… (theo khoản 24, Điều 1 dự thảo Luật), đa số đại biểu thống nhất với phương án 1: “Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Ngoài ra, đại biểu đã thảo luận, góp ý về các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; nội dung nghị quyết về chất vấn cần bổ sung thêm nội dung “giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập” (khoản 8, Điều 1 dự thảo Luật)…

* Chiều cùng ngày 15-10-2024, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo có 9 chương, 71 điều luật.

Đại biểu góp ý các nội dung: Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo… Góp ý Điều 32 (dự thảo Luật) về điều động nhà giáo, đại biểu đề nghị cần xem xét đối với các trường hợp khi điều động đi nơi khác công tác thì nhà giáo không được hưởng phụ cấp thâm niên.

Đại biểu góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo (quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật), đại biểu cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay thì không đưa nội dung này vào Luật “Miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác”, “Giảm vé phương tiện giao thông công cộng”, cần quy định chính sách hỗ trợ khác phù hợp hơn (tiền lương, trợ cấp).

Ngoài ra, đại biểu đã góp ý về các nội dung như: Chính sách thu hút nhà giáo, đào tạo nhà giáo, chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo; góp ý về bố cục, từ ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật…

Đại biểu đề nghị nên xem xét kỹ một số nội dung được quy định trong dự thảo Luật trước khi ban hành, tránh trường hợp chồng chéo với một số quy định của luật khác khi áp dụng thực hiện.

Thay mặt Đoàn ĐBQH, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi ghi nhận và cảm ơn ý kiến đóng góp của đại biểu. Trên cơ sở này, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp trình Quốc hội.

Tin, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN