Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại biểu.
Tham dự, có đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, sở, ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 25-1-2023 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 236 điều luật. Đại biểu góp ý các nội dung liên quan về giải thích từ ngữ, người sử dụng đất (SDĐ), nguyên tắc SDĐ, quy hoạch SDĐ, quyền và nghĩa vụ của người SDĐ, thu hồi và trưng dụng đất, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất…
Đa số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định đối tượng là hộ gia đình SDĐ (Điều 5 dự thảo Luật), cần có sự điều chỉnh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan đến quyền về tài sản.
Đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể về “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (Điều 78 dự thảo Luật) nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Đại biểu góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu thống nhất với việc bỏ khung giá đất là phù hợp. Tuy nhiên, theo Điều 154 (dự thảo Luật) quy định “Bảng giá đất được ban hành hàng năm”, đại biểu đề nghị không nhất thiết phải ban hành bảng giá đất theo hàng năm mà 3 năm một lần.
Ngoài ra, đại biểu góp ý các nội dung: Nguyên tắc, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; điều tiết nguồn thu từ đất; giá đất phổ biến; hạng mức giao đất nông nghiệp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại biểu. Sau hội nghị này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến, tham mưu trình UBND tỉnh gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tin, ảnh: H. Đức