Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị đã đánh giá công tác giảm nghèo bền vững dựa trên các kết quả thực hiện chỉ tiêu về giảm hộ nghèo; kết quả thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và kết quả thực hiện các chính sách dành cho người nghèo. Tại đây, những khó khăn của năm 2023 được nhận diện, cụ thể tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chỉ giảm 0,87%, chỉ tiêu là giảm 1% số hộ nghèo. Việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn thấp, trong năm 2023 chỉ giải ngân được 13,29%.
Cuối năm 2023, qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 21.061 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%, trong đó, 10.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% (giảm 0,87%, chưa đạt kế hoạch đề ra, kế hoạch giảm 1%) và 10.461 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,59% (giảm 1,07%).
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho rằng: “Năm 2023 là một năm mà ngành lao động đã thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo và công tác an sinh xã hội. Trong đó, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội có sự quán triệt, tập trung đồng loạt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội năm 2023. Tuy nhiên, kết quả của năm 2023 chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra. Đề nghị các trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của các huyện phải xem công tác giảm nghèo là của cả hệ thống chính trị, chứ không phải nhiệm vụ của một ngành. Theo kế hoạch, cuối năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo tại tỉnh là 2,25% (giảm 0,38%), tương đương giảm 1.540 hộ. Các huyện cần rà soát kỹ khả năng thoát nghèo của các hộ và sắp xếp lộ trình hỗ trợ hộ thoát nghèo...”.
Tin, ảnh: Thạch Thảo