Hội nghị tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp  

17/05/2024 - 16:20

BDK.VN - Sáng 17-5-2024, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười dự, chủ trì điểm cầu tỉnh.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chủ trì hội nghị.

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10-6-2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.

Thực hiện Luật Giám định tư pháp, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 1.039.615 vụ việc ở các lĩnh vực chủ yếu theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giám định tư pháp, từ đó yêu cầu các địa phương cần quan tâm nhiều hơn cho công tác giám định tư pháp.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan về giám định tư pháp. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tổng hợp và tiếp tục kiến nghị, nhất là các vấn đề phát hiện mới trong công tác tư pháp.

Tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tin, ảnh: Huyền Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN