Hội ngộ những người yêu thích đờn ca tài tử

23/11/2018 - 07:56

BDK - Tính chuyên nghiệp cao, am hiểu và có kỹ năng trình diễn tốt nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là điểm nổi bật của các thí sinh tại Hội thi Danh ca tài tử và Danh cầm đờn kìm, đờn guitar phím lõm, đờn cò tỉnh Bến Tre lần thứ I, do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức. Đây là dịp hội ngộ của những người yêu thích đờn và ca tài tử Bến Tre - một trong những tỉnh hiện có phong trào ĐCTT khá phát triển.

Để có thể ca tài tử thì người tham gia phải thể hiện được các bài bản tổ.

Để có thể ca tài tử thì người tham gia phải thể hiện được các bài bản tổ.

Kinh nghiệm và đam mê

Nghệ sĩ ưu tú, Thạc sĩ Huỳnh Văn Khải nhận định: Điểm nổi bật của các thí sinh trong hội thi này là đã có sự đầu tư nghiêm túc từ trang phục đến lựa chọn các bài bản tài tử và thể hiện khả năng trình diễn tốt ĐCTT. Thử thách dành cho các thí sinh khi vào vòng trong là bắt thăm ngẫu nhiên trong 20 bài bản tổ để trình diễn, và hầu hết thí sinh đều thể hiện tốt, điều này cho thấy sự bản lĩnh của các thí sinh. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm thêm đến các bài bản mới chủ đề về nông thôn mới, xây dựng văn hóa mới ở các địa phương… Từ các bài bản mới, người ĐCTT sẽ tự làm mới mình với sự khai phá những giai điệu trong bài bản ấy.

Nữ tài tử ca 23 tuổi Hoàng Huyên - nhân viên khu du lịch Cồn Phụng (Châu Thành) chia sẻ, yêu thích ĐCTT từ nhỏ khi được nghe các cô chú trong xóm hát sinh hoạt ĐCTT, em đã tập và biết hát ĐCTT từ khi em mới 9, 10 tuổi. Sau vài năm, em đã có kỹ năng và được các cô chú đưa đi hát ở các đám tiệc, phục vụ sự kiện sinh hoạt ở địa phương. Hiện em là nhân viên khu du lịch Cồn Phụng và thỉnh thoảng hát phục vụ cho khách du lịch. Trong các bài bản tài tử, em rất thích các bài về Bác Hồ, vì khi trình diễn em có nhiều cảm xúc hơn. Tại hội thi lần này, em đã chọn bài “Khúc ca dâng Bác” và “Nhớ về biển đảo Trường Sa”.

Tài tử đờn Nguyễn Văn Chánh, 57 tuổi, đến từ An Hòa Tây (Ba Tri) là người may mắn “thừa hưởng” niềm đam mê và kinh nghiệm ĐCTT của cha, từ tập tành làm quen các ngón đờn đến thuần thục điêu luyện đến nay cũng hơn 30 năm. Tuy là người khiếm thị nhưng ông là một trong những người có nhiều kinh nghiệm về đờn guitar phím lõm tại địa phương và luôn tận tình hướng dẫn, giảng dạy nhiều học trò thuộc thế hệ trẻ. Với ông, ngày nào không được đờn là ngày đó ông cảm thấy cuộc sống gần như vô vị và rất “thiếu thốn”. “Ngoài năng khiếu, đam mê, người học cần có sự kiên trì, cái tâm đặt hết vào trong từng bài bản, từng dây, từng nhịp để đờn đúng nhịp và chuyển tải được cái hồn của bài bản đến người nghe”, ông bày tỏ.

Tạo sự lan tỏa

Trong không gian xanh của khu du lịch sinh thái Lan Vương, tiếng đờn trầm bổng cùng tiếng ca ngọt ngào với giai điệu khúc Nam xuân, Đảo ngũ cung, Ngũ đối hạ… trong 20 bài bản tổ tài tử quen thuộc vang lên mang đến người nghe cảm giác thư thái, vui tươi, ấm áp và gần gũi. Trước đây, Bến Tre đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan ĐCTT nhưng sự khác biệt của lần này là hướng đến tính chuyên nghiệp và hoạt động trong không gian mở, đưa về khu du lịch sinh thái để tạo cảm xúc nhiều hơn cho cả người đờn, người hát và người nghe.

Theo bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức hội thi: Bến Tre là một trong những địa phương dung chứa không gian nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và có phong trào ĐCTT khá phát triển. Nhiều thế hệ nghệ nhân đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết và tài năng của mình để trao truyền cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục cộng hưởng trong đời sống. Đặc biệt là góp phần giới thiệu nghệ thuật đến bạn bè trong và ngoài nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua hoạt động du lịch. Hội thi là môi trường nhỏ để các tài tử đờn, tài tử ca giao lưu, thể hiện tâm hồn và năng khiếu của mình thông qua ngón đờn, giọng điệu…

Hội thi không chỉ nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có, tiêu biểu của nghệ thuật ĐCTT mà còn bồi dưỡng và phát huy lực lượng tài tử đờn, ca nhằm tạo hạt nhân phát triển phong trào ĐCTT. Sau hội thi, ngành chuyên môn - Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ kết nối các tài tử ưu tú cùng tiếp tục phát triển phong trào ĐCTT tại các địa phương để tạo sự lan tỏa nhiều hơn đến nhiều người đối với nghệ thuật ĐCTT. “Toàn tỉnh hiện có gần 100 câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích ĐCTT duy trì sinh hoạt, nhiều hoạt động giao lưu thường xuyên diễn ra, tạo nên một sức sống ĐCTT đang phát triển tại quê hương xứ Dừa” - bà Trần Thị Kiều Tôn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN