Hội thảo Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

09/12/2023 - 13:57

BDK.VN - Ngày 9-12-2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - thực trạng và giải pháp.

Chủ trì hội thảo.

Chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam; Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ Nguyễn Hoàng Linh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì hội thảo. Đại diện đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại biểu đến từ các viện, trường, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự.

Hội thảo diễn ra với 2 phiên chính, gồm: Thực trạng và chính sách xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Giải pháp công nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hàng ngày phát sinh khoảng 1 ngàn tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy.

Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn tỉnh chỉ có Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lò đốt rác nhưng từ tháng 10-2022 đã ngưng hoạt động để tái cơ cấu. Trước thực trạng trên, đòi hỏi cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

“Hội thảo được lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đánh giá đầy đủ, sát hợp về thực trạng, chính sách, giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý xử lý chất thải rắn,... Từ đó, có thể xác định đúng đắn, phù hợp các nhiệm vụ, các giải pháp công nghệ sáng tạo để quản lý chất thải trách nhiệm với môi trường và hiệu quả về kinh tế. Đồng thời, qua hội thảo, tỉnh Bến Tre mong muốn Bộ KH&CN, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung về vấn đề quản lý chất thải rắn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, cũng như tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hợp tác, liên kết với tỉnh Bến Tre, các tỉnh, thành phía Nam trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn thông qua giải pháp về công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và phát triển bền vững, góp phần hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL sớm hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Về phía địa phương, ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những nội dung cốt lõi được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ thông tin, góp phần xử lý tốt vấn đề rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết.

Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS. Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, mỗi công nghệ đều có những ưu, nhược điểm. Việc áp dụng công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, từng bước thay thế công nghệ chôn lấp là rất cấp thiết, cần tổ chức nghiên cứu và triển khai thực hiện sớm. 

Trong xử lý CTRSH, không có một công nghệ duy nhất nào được coi là tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khối lượng CTRSH tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Một sự kết hợp và tối ưu các công nghệ khác nhau cũng có thể được áp dụng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải. Vấn đề quan trọng là các nhà máy xử lý CTRSH khi đưa vào sử dụng cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính khả thi về hiệu quả đầu tư, vận hành và tính bền vững.

Bộ KH&CN khuyến cáo những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350 - 1.000kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý CTRSH tại các khu dân cư nhỏ. Khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý từ 500 tấn trở lên. Đẩy mạnh kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý CTRSH kết hợp với công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt từ chất thải rắn phục vụ cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp. CTRSH Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp. 

“Bộ KH&CN luôn duy trì sự hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này. Bộ KH&CN đang nỗ lực không ngừng để đưa công nghệ là nhân tố trung tâm quan trọng của cuộc cách mạng xử lý chất thải, đồng thời tạo điều kiện cho sự hợp tác đa ngành, lĩnh vực, đa cấp độ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan”, GS.TS. Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích